MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản cách đây 100 năm đang tái diễn với kinh tế Nhật?

10-06-2017 - 09:03 AM | Tài chính quốc tế

Chừng nào khi các yếu tố gây bất ổn còn chưa được chấm dứt, người dân Nhật vẫn không thể dám mạnh tay chi tiêu.

Nhật đang đối diện với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, tuy nhiên cùng lúc đó mức lương không tăng nhanh tương xứng.

Thập niên 1930, tình trạng tương tự từng diễn ra tại Nhật, nay khi kịch bản tương tự xảy ra, tâm lý bất an về tương lai đang khiến niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mạnh.

Thu nhập người dân đang giảm không ngừng

Theo Nikkei, kết quả các thống kê gần đây cho thấy thu nhập của hộ gia đình với từ hai thành viên trở lên đã giảm liên tục từ năm 2014. Cùng lúc đó, tỷ lệ chi tiêu tính trên tổng thu nhập đi xuống. Năm 2014, chính phủ Nhật tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, từ đó đến nay, người dân liên tiếp thắt chặt hầu bao.

Cụ thể, tỷ lệ chi tiêu/tổng thu nhập năm 2014 đạt 75,2%, năm 2015 là 73,8%, sang năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn lại 72,3%. Đến tháng Tư năm 2017, tỷ lệ đứng ở mức 73,1%, thấp hơn khá nhiều nếu so với mức 73,9% vào năm 2012.

Tỷ lệ chi tiêu trên như vậy trái ngược hoàn toàn với việc số lượng việc làm trên thị trường lao động ngày một tăng lên. Tháng Tư năm nay, tỷ lệ việc làm/ứng viên là 1,48, có nghĩ là với mỗi một ứng viên có đến 1,48 việc làm dành cho người đó.

Tỷ lệ trên thậm chí còn cao hơn cả thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng bùng nổ vào thập niên 1980. Nhu cầu nhân lực đối với những ngành dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng kinh tế như xây dựng hay lái xe tải đặc biệt cao.

Tuy nhiên, mức lương lại không cải thiện. Bộ Lao động Nhật công bố mức lương trung bình của năm 2016 chỉ bằng 99,5% so với năm 2010, năm được lấy làm năm cơ sở. Mức lương người lao động giảm 6 năm liên tiếp.

Kinh tế Nhật dần diễn biến theo hướng tích cực, thế nhưng nó vẫn chưa tạo ra được thay đổi bước ngoặt cho mức lương và tiêu dùng người dân.

Chuyện của nước Nhật thập niên 1920

Cách đây gần 100 năm tức là thời kỳ thập niên 1920, kinh tế Nhật lâm vào giảm phát. Điều đó tất yếu xảy ra bởi nền kinh tế điều chỉnh sau khi tăng trưởng bùng nổ từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc.

Ngoài ra, Tokyo từng hứng chịu trận động đất lịch sử vào năm 1923, nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề dẫn đến không trả được nợ ngân hàng, nợ xấu tăng cao tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Để có thể cứu kinh tế Nhật khỏi khủng hoảng, Bộ trưởng Tài chính Nhật khi đó, ông Korekiyo Takahashim đã đưa ra nhiều biện pháp, từ tăng cường chi tiêu đầu tư chính phủ cho đến hạ lãi suất, đồng thời Ngân hàng Trung ương Nhật mua mạnh trái phiếu chính phủ. Chính sách của chính phủ Nhật khi đó có khá nhiều điểm tương đồng với chương trình kích thích kinh tế tăng trưởng của Thủ tướng Abe hiện nay.

Cũng mất vài năm để chương trình kích thích kinh tế trên phát huy tác dụng, năm 1926, số lượng người lao động tại các nhà máy lên lại mức trước khủng hoảng, nhưng tốc độ phục hồi của nhu cầu nhân sự từng ngành tại khác nhau. Ngành sản xuất các sản phẩm kim loại thực sự phục hồi vào năm 1933 còn ngành đóng tàu và ô tô phải chờ đến năm 1934.

Lao động thiếu như vậy nhưng lương không tăng, thậm chí giảm dần đều cho đến cuối thập niên 1930.

Người dân Nhật khi ấy ngại chi tiêu bởi lo sợ về kịch bản chiến tranh lại tái diễn. Người dân Nhật thất vọng khi kinh tế tăng trưởng mà đời sống của họ gần như không cải thiện.

Nhìn lại ngày nay, điều tương tự đang diễn ra. Kinh tế Nhật đang đối diện với quá nhiều thách thức, từ tỷ lệ sinh giảm cho đến dân số “teo nhỏ”, thâm hụt ngân sách chính phủ cao, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh khó khăn, tình trạng chính trị bất ổn do các quốc gia đối đầu nhau, thảm họa thiên nhiên “rình rập”.

Và chừng nào khi các yếu tố gây bất ổn trên còn chưa được chấm dứt, người dân Nhật vẫn không thể dám mạnh tay chi tiêu.

Theo Trung Mến

BizLive

Trở lên trên