Thị trường nhà đất Tp.HCM sắp "khủng hoảng thiếu"?
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tình trạng khan hiếm nguồn cung tiếp tục tái diễn trong cả năm 2020 thì rất có khả năng thị trường sẽ rơi vào giai đoạn “khủng hoảng thiếu”.
Khó khăn, thách thức, vướng mắc, tháo gỡ… là các cụm từ mà những người quan tâm đến thị trường BĐS đề cập nhiều nhất trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tại các cơ quan ban ngành, nhiều cuộc họp đã diễn ra để tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và chính quyền. Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cũng liên tục gửi văn bản kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các dự án đứng bánh nhiều năm.
Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp thì liên tiếp gửi đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sự tham gia của tất cả các bên dường như vẫn chưa thể gỡ rối khi mà có rất nhiều những quy định chồng chéo vẫn chưa có phương án khắc phục.
Khổ cũ chưa qua thì khổ mới đã tới, doanh nghiệp địa ốc vốn đã khó khăn vì phải gồng mình gánh lỗ trong suốt cả năm thì nay lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và đang diễn biến khó lường. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, nợ thuế kéo dài và có nguy cơ đóng cửa.
Ảnh: Hạ Vy
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định rằng nếu không kịp thời tháo gỡ thì có nguy cơ thị trường rơi vào giai đoạn “khủng hoảng thiếu”. Được hiểu là tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn tới không đáp ứng lực cầu của khách hàng. Một kịch bản mới đây mà Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đưa ra, đó là tình trạng khủng hoảng thiếu trên thị trường BĐS. Theo đó, các dự án mới bung ra thị trường giảm mạnh, dẫn tới tình trạng khan hàng, thiếu hàng, trong khi nhu cầu về sản phẩm BĐS vẫn rất lớn nhưng không được đáp ứng
Khi tình trạng khan, thiếu hàng thật sự diễn ra, hệ lụy của khủng hoảng thiếu sẽ là tình trạng giá tăng cao, người mua không thể tiếp cận nhà ở. Doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ. Thị trường BĐS sẽ “đóng băng”, từ đó dẫn tới tình trạng suy thoái nguồn thu ngân sách. Kịch bản này đã được phía Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận diện và cảnh báo nguy cơ khủng hoảng về nguồn cung mà nguyên nhân đến từ vướng mắc của thủ tục hành chính
Nhìn lại giai đoạn 2011- 2013, thị trường BĐS “đóng băng” đến từ sự khủng hoảng thừa nguồn cung. Đây cũng là một dạng khủng hoảng nhưng dường như mức độ nhẹ hơn so với Khủng hoảng thiếu. Đó là giai đoạn mà các dự án ra đồng loạt, được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn tín dụng ngân hàng.
Không ít chủ dự án là sân sau của ngân hàng và họ tin rằng, cứ vay vốn được ngân hàng phát triển BĐS là thắng. Hệ lụy của nó là nguồn cung quá lớn, nguồn cầu không theo kịp dẫn tới vỡ bong bóng, khủng hoảng. Ngân hàng phải đối mặt với tình trạng nợ xấu, đổ vỡ và chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng bất động sản “đóng băng”.
Ông Phạm Lâm, Giám đốc Công ty DKRA Vietnam từng thừa nhận, chưa có năm nào thị trường BĐS lại khan hiếm nguồn hàng như năm nay. Điển hình là trong báo cáo Quý 4/2019 từ đơn vị này không có nhiều tiến triển về nguồn cung.
"Mặc dù thị trường cũng đã có dấu hiệu lạc quan khi chính quyền Tp.HCM công bố một số giải pháp về phương án tháo gỡ nguồn cung, nhưng để giải pháp này được triển khai trên thực tế còn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi và chưa thể biết rõ thời điểm. Điều này khiến doanh nghiệp bị ứ đọng hàng hóa và chôn vốn, khiến phát sinh chi phí tài chính (lãi vay), dẫn đến giá thành sản phẩm đội lên", ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch VARS cho biết, theo ghi nhận của Hội, sức cầu còn lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế, khiến thị trường có dấu hiệu bất ổn. Trong đó, có thể kể đến việc giá cả tăng mạnh, thiếu hụt nhà ở cung cấp cho người dân. Từ đó, sẽ phát sinh việc đầu cơ, đẩy giá lên cao, làm lũng đoạn thị trường. Tình hình thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới với 2 thị trường chính là Hà Nội và Tp.HCM.
“Để có nguồn cung mới cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa”, ông Hà nói và cho biết, hiện các cơ quan nhà nước đã nhận thấy dấu hiệu bất ổn về nguồn cung BĐS, nên đang thúc đẩy giảm thủ tục hành chính, rà soát các dự án đủ điều kiện để sớm đưa ra thị trường.