Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán sau pha giảm mạnh vừa qua?
Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch đầy biến động, kết thúc với phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2023. Giới phân tích đưa ra một số kịch bản cho tuần giao dịch tới, tuy nhiên nhiều ý kiến ủng hộ rằng xu hướng tăng của thị trường chưa bị phá vỡ.
- 10-03-2024Các sếp của Hòa Phát, Hưng Thịnh,... tranh thủ chốt lời cổ phiếu
- 10-03-2024Góc nhìn chuyên gia: Điểm đảo chiều ngắn hạn xuất hiện, khả năng VN-Index về dưới 1.200 điểm cần được tính đến
- 10-03-2024Nhiều công ty chứng khoán sắp tăng vốn ‘khủng’
Lực bán trong phiên cuối tuần chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu lớn có mức tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dòng tiền nội địa vẫn duy trì sự quan tâm đến thị trường, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Do những biến động mạnh ở những phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.247,4 điểm, tương đương mức giảm 0,9% so với cuối tuần trước.
Tuần này, BID (-3,4%), VCB (-2,3%), VHM (-3,2%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi MSN (+11,4%), BCM (+9,0%) và GAS (+2,5%), giúp kìm lại đà bán tháo của thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu midcap (vốn hoá vừa) cũng là điểm sáng của thị trường trong tuần với một số mã tăng giá mạnh.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 30.187 tỷ đồng/phiên (tăng 15,9% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HoSE với giá trị 981,4 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch tiếp theo, ông Đinh Quang Hinh - chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect - khuyến nghị, nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/-10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap)
Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ. Bên cạnh đó, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, nhóm phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, việc thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần sẽ thử thách động lực tăng ngắn hạn tiếp theo. Đà tăng ngắn hạn có thể chưa kết thúc, nếu VN-Index sớm hồi phục và vượt lên trên ngưỡng 1.250 điểm trong các phiên tới.
Trong kịch bản này VN-Index vẫn có khả năng có thêm nhịp tăng hướng tới ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm. Tuy nhiên. SHS không đánh giá cao khả năng VN-Index hình thành uptrend (xu hướng tăng) mạnh mẽ. Sau khi kết thúc đà hưng phấn, VN-Index có khả năng điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150 - 1.250 điểm bởi nền tảng tích lũy cho uptrend chưa đủ tin cậy.
Về góc nhìn trung hạn, SHS cho rằng VN-Index đang trong nhịp tăng mạnh, tuy nhiên, nhịp tăng không hình thành trên nền tích lũy đủ dài và tin cậy. Do đó, khả năng VN-Index điều chỉnh trở lại và vận động trong kênh tích lũy 1.150 - 1 250 điểm dễ xảy ra.
Nhóm phân tích của Chứng khoán TPS thể hiện quan điểm trung lập, thị trường sẽ giằng co để xác định vùng cân bằng Theo TPS, chỉ số điều chỉnh sau nhịp tăng kéo dài từ đầu năm đến nay được xem là lành mạnh cho sự tăng trưởng của thị trường trong trung và dài hạn. Vùng hỗ trợ của chỉ số đang nằm tại 1.240 - 1.250 điểm. Nếu phá vỡ vùng hỗ trợ, chỉ số có thể theo quán tính giảm điểm và giao dịch giằng co trong một vài phiên để xác định điểm cân bằng.
Chứng khoán VCBS cho rằng, VN-Index sẽ sớm xuất hiện các phiên hồi phục. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc, tận dụng những phiên rung lắc mạnh để giải ngân mua cổ phiếu tại vùng hỗ trợ ngay khi thị trường cho tín hiệu mua chủ động trở lại. Một số nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong thời gian tới là ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ.
Tiền phong