MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiếm bộn tiền nhờ bán đặc sản côn trùng kinh dị chiều lòng dân nhậu mùa World Cup

23-06-2018 - 12:36 PM | Thị trường

Những món đặc sản côn trùng không dành cho người “yếu thần kinh” như sâu sống, bọ cạp, bọ ngựa rút ruột… đang trở thành mặt hàng “hái ra tiền” trong mùa World Cup năm nay.

Nhận đổ buôn các loại côn trùng làm đồ nhậu cho nhà hàng ở Hà Nội, anh Thanh Tùng (trú tại Thường Tín, Hà Nội) cho biết, hai tuần nay, anh đã xuất kho hơn 3 tạ côn trùng, bao gồm châu chấu, kiến, bọ ngựa, thu về gần 70 triệu đồng.

"Vào mùa World Cup , nhiều nhà hàng đặt mua côn trùng để làm món nhậu. Ít thì 20-30kg/lần, nhiều thì lên tới 50kg. Tùy từng loại, mà giá nhập sẽ dao động ở mức 120.000 – 220.000 đồng/kg", anh Tùng tiết lộ.

Theo tiểu thương, năm nay, nguồn hàng khá ổn định, tuy nhiên, do vào cao điểm mùa bóng, nên giá thu mua châu chấu, kiến hay bọ ngựa nhỉnh hơn từ 10.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, theo lý giải của anh này, nhập hàng cao hơn thường lệ, song nhà hàng vẫn thu lãi đậm vì giá bán côn trùng đã qua chế biến, rẻ nhất cũng từ 100.000 - 200.000 đồng/đĩa (tùy từng loại).

Kiếm bộn tiền nhờ bán đặc sản côn trùng kinh dị chiều lòng dân nhậu mùa World Cup - Ảnh 1.

Châu chấu, cào cào được chế biến thành món nhậu đắt khách mùa World Cup.

Vẻ ngoài kinh dị không hề ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các món ăn từ bọ cạp, đuông dừa hay tắc kè đối với dân nhậu, vì thế, trong mùa World Cup, nhiều nhà hàng trên phố Đại La, Khương Thượng, Tôn Thất Tùng (Hà Nội) đã đưa thêm các món này vào thực đơn.

Thừa nhận, những món ăn độc lạ này đang là nguồn hút khách chính, đặc biệt là nam giới trong mùa bóng đá, anh Thành (chủ một quán nhậu trên đường Đại La) cho biết, lượng khách tăng gấp 3 lần sau khi nhà hàng bán các món côn trùng kèm dịch vụ chiếu bóng, phục vụ đồ uống mùa World Cup.

"Với nhiều người đây là món khoái khẩu, vì thế, dù giá có đắt chút nhưng vẫn tìm đến quán. Tại đây, tắc kè có giá tầm 80.000 đồng/con, bọ cạp bán theo đĩa là 200.000 – 250.000 đồng, đuông dừa nướng than là 200.000 đồng/đĩa (10 con). Tuy nhiên, đợt nhập hàng lần tiếp theo, giá các loại thực phẩm này đã tăng khá nhiều", anh Thành chia sẻ.

Kiếm bộn tiền nhờ bán đặc sản côn trùng kinh dị chiều lòng dân nhậu mùa World Cup - Ảnh 2.

Món ăn từ côn trùng không dành cho những người "yếu tim" có giá từ vài trăm nghìn đồng/đĩa.

Theo chị Thu Anh (một chủ buôn, chuyên cung cấp các loại côn trùng tại Long Biên, Hà Nội), do nhu cầu mua các loại côn trùng tăng đột biến, một số loại rơi vào tình trạng khan hiếm hàng như bọ xít, bọ ngựa hay đuông dừa.

Để nguồn hàng phong phú hơn, chị này đã thu mua ở các vùng ngoại thành như Mỹ Đức, Thạch Thất (Hà Nội). Ngoài ra, các mặt hàng đặc trưng như kiến hoặc trứng kiến sẽ được thu mua tại các vùng Sơn La, Mộc Châu. Riêng đuông dừa được mua từ miền Tây, chuyển ra Hà Nội trong 1-2 ngày để kịp cung cấp cho khách.

Theo tiết lộ của chị Thu Anh, mùa World Cup, nếu thuận lợi, chị có thể bỏ túi ít nhất 100 triệu đồng từ việc đổ buôn các loại côn trùng cho nhà hàng nhậu.

Nhận thấy cơ hội kinh doanh từ những loại châu chấu, cào cào, ngay từ đầu mùa thu hoạch lúa, chị Uyên (kinh doanh thực phẩm online) đã "gom" được hơn 2 tạ côn trùng các loại. Thay vì bán hàng tươi, chị này đã làm thành các món như châu chấu, cào cào rang muối hoặc lá chanh, đóng hộp rao bán.

Trung bình, mỗi hộp đồ nhậu đã qua chế biến này có giá từ 200.000 đồng, giúp chị Uyên thu lời gấp đôi số tiền bỏ ra thu mua hàng. Thậm chí, tiểu thương này còn nhận cả dịch vụ chuyển hàng đến tận nơi cho khách.

"Tuy hơi mất công nhưng thu lãi cao hơn", chị Uyên chia sẻ.

Mặc dù giúp nhà hàng, tiểu thương kiếm bộn tiền trong mùa bóng, nhưng nhiều vị khách cũng tỏ ra khá e dè và quan ngại về các loại côn trùng được chế biến thành đồ nhắm.

Chị Minh Thanh (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, chị lo một số loại không tốt cho sức khỏe, có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc cho khách hàng.

"Độc lạ thật đấy, nhưng các nhà hàng nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc hàng, cách chế biến cũng cẩn thận. Ngoài ra, cũng nên khuyến cáo hoặc hỏi rõ khách hàng có tiểu sử dị ứng hay không, thay vì cứ bán tràn lan vì lợi nhuận", chị Thanh bày tỏ.


Theo Hoàng Linh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên