MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Kiếm tiền giỏi, làm giàu nhanh' nhờ đi cho thuê nhà của người khác, bỏ túi khoản chênh lệch

04-11-2022 - 13:38 PM | Lifestyle

'Kiếm tiền giỏi, làm giàu nhanh' nhờ đi cho thuê nhà của người khác, bỏ túi khoản chênh lệch

Dù đây là một cơ hội 'sinh lợi' hấp dẫn từ BĐS, thế nhưng nó cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro như các vấn đề pháp lý - điều mà những người kinh doanh theo kiểu này ít muốn nhắc đến.

Ngồi bên hồ bơi trong một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất ở Dubai, Ryan Luke (38 tuổi) đang livestream và khoe lối sống xa hoa của mình với 37.000 người theo dõi trên tài khoản TikTok.

Tất cả các video của anh ấy đều có nội dung chia sẻ "phương pháp giàu" mà Ryan đang thực hiện để có được cuộc sống giàu có như hiện tại. "4 điều đảm bảo vị thế triệu phú" hoặc "các bước mà tôi đã thực hiện để có được Airbnb đầu tiên mà không cần sở hữu đất" là những tựa đề Ryan dùng cho những video của mình.

Kiếm tiền giỏi, làm giàu nhanh nhờ đi cho thuê nhà của người khác, bỏ túi khoản chênh lệch - Ảnh 1.

Ryan Luke cho biết anh ấy đã xây dựng một đế chế bất động sản từ những căn hộ mà phần lớn anh không hề sở hữu chúng. Cách làm của Ryan khá đơn giản. Về cơ bản, anh nhận hợp đồng cho thuê từ chủ nhà, thay đổi nội thất cũ sang thương hiệu cao cấp hơn và biến ngôi nhà cũ thành Airbnbs. Cách làm này có thể giúp Ryan tăng tiền thuê và bỏ túi khoản chênh lệch. Cứ như vậy, anh thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ và nhanh chóng giàu có.

Phương pháp kiếm tiền bằng cách ăn phần chênh lệch giá cho thuê hay chiến lược đầu tư ký sinh này đang được quảng cáo trên các trang mạng xã hội phổ biến ở Anh như một cách kiếm tiền hay ho dành cho những người không đủ khả năng mua nhà. Nó được các "doanh nhân" giới thiệu như một giải pháp dẫn đến "thu nhập thụ động" và " tự do tài chính ".

Kiếm tiền giỏi, làm giàu nhanh nhờ đi cho thuê nhà của người khác, bỏ túi khoản chênh lệch - Ảnh 2.

Ý tưởng là ''người kinh doanh'' ký hợp đồng dài hạn với chủ nhà để thuê tài sản của họ, đảm bảo cho chủ nhà một khoản thu nhập trong một khoảng thời gian nhất định. Khi có được sự đồng ý của chủ nhà, họ chuyển đổi những nơi này thành nhà ở ngắn hạn hoặc nhà ở cho nhiều người (HMO). Sau đó, họ cho thuê lại với giá cao hơn số tiền họ phải trả và thu chênh lệch.

Việc làm này không hoàn toàn trái với các điều khoản dịch vụ của Airbnb, thế nhưng, "người kinh doanh" cần có sự cho phép của chủ nhà thực sự. Dù đây là một cơ hội sinh lợi để kiếm tiền từ bất động sản nhưng nó cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro như các vấn đề pháp lý, về đạo đức mà những người kinh doanh theo kiểu này ít muốn nhắc đến. Ví dụ, hình thức kinh doanh này có thể gây ảnh hưởng lớn trong thời kỳ khủng hoảng nhà đất.

Vào tháng 5/2022, báo cáo của ứng dụng tìm kiếm bất động sản Zoopla cho biết giá thuê nhà ở Anh đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 14 năm và đã tăng 11% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt bất động sản cho thuê và nhu cầu tăng vọt khi mọi người quay trở lại các thành phố sau khi dịch bệnh. Kéo theo đó là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ và tiền thuê nhà trở thành vấn đề nhức nhối.

Dan Wilson Craw, phó giám đốc của Generation Rent cho biết: "Những người trẻ đang khao khát có một không gian cho riêng mình.Tình trạng này xuất hiện một phần vì các chính trị gia đã khuyến khích giá nhà tiếp tục tăng, điều này khiến quyền sở hữu bất động sản sinh lợi nhiều hơn là những công việc thực sự mang lại lợi ích cho xã hội. Điều này thật là kỳ cục nhưng không thể tránh khỏi".

Ryan Luke tự hào khi bản thân anh đã có danh mục 300 bất động sản. Khoảng một nửa trong số đó là các giao dịch thuê lại để cho thuê. Người đàn ông này cũng ít quan tâm đến vấn đề đạo đức đằng sau việc cho thuê lại và ăn chênh lệch giá. Anh đổ lỗi cho những quy định của chính phủ đã khiến việc cho thuê nhà trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với những người như Ryan.

"Tôi làm điều đó hoàn toàn từ góc độ kinh doanh. Tôi luôn muốn đứng bằng hai chân của mình và tôi rất tin tưởng rằng tất cả mọi người, hoặc hầu hết mọi người, đều muốn có cơ hội để có được cuộc sống tốt đẹp hơn", Ryan chia sẻ.

Bên cạnh việc cho thuê lại nhà với giá cao, những người như Ryan còn sử dụng nền tạng Tiktok của họ để bán các khóa học dạy cách cho thuê - chia sẻ bí quyết thành công có tính phí.

Samuel Leeds là một KOL khác cũng có chung hình thức kinh doanh với Ryan. Năm 2020, Leeds là đối tượng của một cuộc điều tra của BBC Inside Out khi có nhiều khách hàng cũ phàn nàn rằng họ đã mua nhầm các khóa học đầu tư bất động sản đắt tiền có nội dung "sơ sài" hơn các khóa học miễn phí mà anh ta cung cấp.

Kiếm tiền giỏi, làm giàu nhanh nhờ đi cho thuê nhà của người khác, bỏ túi khoản chênh lệch - Ảnh 3.

Leeds vẫn đang tung ra các khóa học về cách kiếm tiền thuê nhà thông qua công ty của anh ấy. Một vài khóa học trên trang web của anh ấy có giá tới 11,995 bảng Anh. Leeds cũng có hai khóa học được thiết kế riêng cho việc kinh doanh nhà thuê để cho thuê lại với giá lần lượt là 995 bảng Anh và 1995 bảng Anh.

Trong báo cáo thường niên năm 2021, tổ chức chuyên giải quyết tài sản (PRS) đã giúp hòa giải các khiếu nại giữa các đối tượng kinh doanh bất động sản và người tiêu dùng. Tổ chức này cũng xác thực rằng thỏa thuận thuê nhà là lĩnh vực bị khiếu nại nhiều nhất trong năm. Điều này cho thấy thực tế là nhiều đơn vị hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ cho thuê nhà đã phải vật lộn trong thời gian bị phong tỏa và gồng gánh nợ do đại dịch gây ra.

Sean Hooker, người đứng đầu tổ chức PRS cho biết gần đây họ đã thấy một số khiếu nại liên quan đặc biệt đến các hợp đồng cho thuê nhà ngắn hạn: "Mô hình này dường như rất thu hút khi các cơ sở lưu trú truyền thống và đặc biệt là HMO đã được quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi cũng lo ngại về việc các nhà đầu tư bất động sản mới chớm - những người đang bị thu hút bởi các khóa học về chiến lược đầu tư mà chưa hiểu rõ về nó."

James Mayall, luật sư tại Osbornes Law cho biết các vấn đề pháp lý trong việc cho thuê nhà theo hình thức này. Có nhiều trò lừa đảo và các hoạt động bất hợp pháp xung quanh việc này khiến chủ nhà bị mất tiền hoặc giảm hiệu lực hợp đồng bảo hiểm hoặc thế chấp của họ.

Tuy nhiên, luật sư này cũng thừa nhận rằng hoạt động này tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với bất kỳ ai cố gắng kiếm tiền từ việc ăn chênh lệch giá cho thuê một cách hợp pháp, bởi vì nó dựa vào nguồn thu nhập ổn định trong một thị trường không phải lúc nào cũng có thể cung cấp.

Ông nói: "Nếu có một đại dịch khác, hoặc đột nhiên thị trường cho thuê lao dốc, hoặc Airbnb phá sản, thì những người kinh doanh kiểu này sẽ không có bất cứ nguồn thu nào khác nhưng vẫn phải có trách nhiệm trả tiền thuê nhà cho chủ nhà."

Theo Craw, luật pháp cần có nhiều quy định tốt hơn đối với thị trường cho thuê, bao gồm cả quy định về Airbnb - một lĩnh vực sinh lợi đến mức nó đang lấy đi những ngôi nhà của những người cần nơi ở. Cuối cùng thì chính phủ cần phải đi xa hơn nữa trong việc cung cấp đủ nhà để mọi người đều có nơi ở tốt hơn. Chỉ điều đó mới kết thúc được hoạt động kinh doanh ăn chênh lệch giá đang phổ biến hiện nay."

(Theo Vice.com)

Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên