Kiểm toán nhà nước được bổ sung quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia
Bằng việc thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Kiểm toán nhà nước được bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử.
- 25-11-2019ĐBQH: Trao quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước là cơi nới thẩm quyền
- 14-11-2019Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi chưa từng gặp dự án đầu tư nào như Sông Đuống, cần kiểm toán vào cuộc”
- 28-10-2019Kế hoạch kiểm toán năm 2020: Giảm 25% cuộc kiểm toán so với kế hoạch đầu năm 2019
- 23-10-2019Uỷ ban của Quốc hội muốn Kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Với 454/458 đại biểu nhấn nút tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), trong đó bổ sung quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cho Kiểm toán Nhà nước.
Trong Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc bổ sung quyền truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH cho rằng việc truy cập, khai thác thông tin, trong đó có thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật cá nhân đều phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đúng theo tinh thần Hiến pháp, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân...
"Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu, bổ sung cụm từ "việc truy cập phải tuân thủ quy định của pháp luật". Đồng thời, để bảo đảm tính chặt chẽ của quy định, tránh việc vận dụng tùy tiện, và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, xin bỏ quy định phải thống nhất về phạm vi truy cập, khai thác dữ liệu điện tử (nội dung tiếp thu thể hiện tại khoản 3 và khoản 6 Điều 1 Dự thảo luật)", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc Trưởng đoàn kiểm toán muốn ủy quyền việc truy cập dữ liệu thì phải tuân thủ các điều kiện nhất định. Theo đó, việc ủy quyền phải bằng văn bản, phải theo quy định của pháp luật và vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc đã ủy quyền đó. Ngoài ra, đoàn kiểm toán chỉ được truy cập dữ liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.
Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán, UBTVQH cho biết khoản 8 Điều 13 của Luật KTNN hiện hành đã quy định, Tổng KTNN có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Theo các quy định của Luật KTNN, chỉ có Tổng KTNN và Trưởng Đoàn kiểm toán có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý đối với hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán. Theo đó, Trưởng Đoàn kiểm toán có quyền tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống khi có dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật KTNN.
Tuy nhiên, nếu Trưởng Đoàn kiểm toán giải quyết khiếu nại sẽ không khách quan, Trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm toán của thành viên Đoàn kiểm toán.
Việc thành lập Đoàn kiểm toán do Tổng KTNN quyết định nên Tổng KTNN giải quyết khiếu nại đối với hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán là hợp lý. Đồng thời, hệ thống thông tin liên lạc ngày càng hiện đại, bảo đảm cho việc kịp thời gửi đơn khiếu nại đến Tổng KTNN. Ngoài ra, việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại với hoạt động kiểm toán còn được giải quyết theo các quy định khác của Luật Khiếu nại mà không trái với quy định của Luật này.