MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán Nhà nước sẽ báo cáo về 24 dự án BOT giao thông vào tháng 10

01-06-2017 - 15:08 PM | Bất động sản

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ có báo cáo tổng hợp và báo cáo riêng từng dự án đối với 24 dự án BOT giao thông, báo cáo sẽ được công bố vào tháng 10 năm nay.

Đó là khẳng định của ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bên hành lang Quốc hội sáng 01/06/2017. Trong các báo cáo này, KTNN sẽ có những kiến nghị đầy đủ về khoảng cách, quyết toán, đàm phán cũng như phương thức đối với từng dự án. Từng dự án BOT cũng sẽ có từng báo cáo riêng của KTNN.

“Năm 2016 KTNN đã có báo cáo về 27 dự án BOT,” ông Hồ Đức Phớc cho biết, “trong năm 2017, KTNN tiếp tục làm đối với 24 dự án, dự kiến đến tháng 10/2017 sẽ có báo cáo tổng hợp về 24 dự án BOT trong năm nay”.

Theo Tổng KTNN, cơ quan này sẽ kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, qua đó Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ một cơ chế hoàn thiện khoa học nhất, sát thực nhất, để có một cơ chế tốt nhất cho các dự án BOT.

Trong số 27 dự án của năm 2016, sau khi có kết luận của KTNN, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết toán đối với từng dự án.


Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Về cơ chế đối với vốn vay BOT, ngày 31/05 Bộ Tài chính đã đưa ra cơ chế cấp phát vốn ODA cho các địa phương sang cơ chế cho vay lại. Ông Hồ Đức Phớc cho rằng đến tháng 7/2017, các khoản vay ODA của Việt Nam sẽ chịu mức lãi suất cao hơn. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc sử dụng vốn ODA, phương thức của Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn sát thực và việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn.

“Các đơn vị sử dụng vốn sẽ phải chịu trách nhiệm với vốn vay ODA phải trả, đồng thời phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, cho nên chắc chắn sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn và sẽ đảm bảo tính thực tế hơn”.

Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng họ còn gặp khó khăn về tài chính, việc cho vay lại như vậy sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn. Tổng KTNN cho rằng đối với các tỉnh không cân đối được ngân sách, các nguồn đầu tư do Chính phủ trợ cấp, cân đối thì các tỉnh không phải trả, còn các tỉnh cân đối được ngân sách thì sẽ phải tuân thủ theo quy định.

Để khắc phục những hạn chế trong việc sử dụng vốn vay ODA, ông Hồ Đức Phớc cho rằng phương thức quản lý vốn ODA cũng phải có sự thay đổi. Thay vì nhiều cơ quan quản lý, cần quy về một cơ quan quản lý việc này. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về việc vay và trả nợ.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ chiều 30/05 về dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), ông Hồ Đức Phớc cho rằng Quốc hội là cơ quan quyết định chỉ tiêu vay bao nhiêu, nhưng vay như thế nào cho hiệu quả là trách nhiệm của Chính phủ. Bộ Tài chính là cơ quan thích hợp nhất trong việc chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nợ công và quản lý nhà nước về nợ công.

Theo Ngân Giang

Infonet

Trở lên trên