Kiến nghị giảm mức đóng, khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc bỏ khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN nước ngoài khi vào Việt Nam rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật.
- 21-08-2023Ba kịch bản tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030
- 21-08-2023Thủ tướng đồng ý chủ trương bổ sung cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, sân bay Măng Đen vào quy hoạch
- 21-08-2023Đồng bằng sông Cửu Long muốn xuất khẩu điện sang Singapore, liệu có khả thi?
Xem xét giảm mức đóng bảo hiểm xã hội
Góp ý kiến vào Dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các DN và các hiệp hội DN. Có những bản kiến nghị chung của hàng chục DN, Hiệp hội DN cùng ký tên, đóng dấu gửi về cho VCCI, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các DN.
Ông Phạm Tấn Công phân tích, Luật BHXH không chỉ giải quyết vấn đề về chủ trương thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo ổn định xã hội mà còn liên quan nhiều đến hoạt động của các DN. Có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết trong tam giác quan hệ giữa việc đóng BHXH, công tác đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong tam giác này, có thể nói, an sinh xã hội là mục tiêu và DN là động lực, còn đóng BHXH là công cụ để thực hiện.
Vì vậy, việc xây dựng các quy định pháp luật về BHXH cần hài hòa, đảm bảo phát triển động lực, tức là DN mà phát triển thì mới tạo ra được các nguồn thu, việc làm, lượng đóng BHXH mới nâng lên.
Qua ý kiến của cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI cho biết, các DN rất quan tâm về tỷ lệ đóng BHXH. Ông dẫn chứng, theo quy định hiện hành, chỉ có Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn Việt Nam. Còn lại, nhiều nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn Việt Nam rất nhiều, ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Của chúng ta là 17% đối với DN và cộng cả của người lao động vào thì chúng ta thành 25%, chúng ta cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế, các khoản khác vào cũng phải lên đến 32%” - ông Công nhận xét đây là một tỷ lệ rất cao. Với tỷ lệ cao như vậy, sức cạnh tranh của DN sẽ khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy việc làm, thu nhập của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển BHXH thì cần xem xét, cân nhắc về tỷ lệ BHXH. Cụ thể, kiến nghị của các hiệp hội DN là xem xét giảm mức đóng xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
“Có thể cân nhắc có một lộ trình hoặc có một chủ trương là chúng ta giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng trong khu vực” - ông Công nói.
Nghiên cứu quy định cơ quan BHXH được khởi kiện ra tòa
Quan tâm tới việc Dự thảo Luật mới đã loại bỏ hành vi chậm đóng mà chỉ còn hành vi trốn đóng BHXH với những chế tài rất nghiêm khắc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ việc phải cương quyết đấu tranh và có chế tài xử lý với những người không có ý thức, với những DN trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc chậm đóng cũng là một thực tế trong cuộc sống, nếu chúng ta loại trừ việc này thì chưa hợp lý.
“Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các DN, đặc biệt DN nước ngoài khi vào Việt Nam rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật. Do đó, cần khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội và quy định trong những trường hợp cụ thể” - ông Công kiến nghị.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, các DN không đồng tình với chế tài xử lý vi phạm trốn đóng BHXH bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn hoặc hoãn xuất cảnh, vì sẽ cản trở hoạt động của DN. Quan điểm của DN là vi phạm về tài chính sẽ xử lý bằng các biện pháp kinh tế, tài chính.
Về thời hạn đóng bù BHXH, ông cho biết, các DN mong muốn kéo dài thời hạn đóng bù BHXH để khi DN khó khăn thì có thời gian để xử lý. Bởi nếu quy định như Dự thảo Luật là rất dễ bị chuyển thành trốn đóng.
“Chúng tôi mong muốn được tiếp tục được xem xét và nâng thêm cho các DN thời gian đóng bù có thể lên 20 hoặc 30 ngày. Nếu mở rộng được thì môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, các DN cũng dễ thực hiện hơn” - ông Công chia sẻ.
Liên qua đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh nêu rõ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu quy định cơ quan BHXH được khởi kiện ra tòa đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, nhằm góp phần bảo vệ lợi ích công cộng cũng như lợi ích chung của đất nước.
Đồng thời, để giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng cũng như chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, ông Phan Văn Anh cho rằng, cần phải có các quy định để định rõ vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng./.
"Xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Điều 43 của Luật này, nếu hết thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.
2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên.
3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
4. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn địa phương, quyết định áp dụng các biện pháp, chế tài khác đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội trên phạm vi địa phương.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Điều 44 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Báo Kiểm toán