MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kim loại đồng ‘bình thản’ giữa cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine?

27-03-2022 - 06:45 AM | Thị trường

Kim loại đồng ‘bình thản’ giữa cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine?

Thị trường kim loại đồng bình yên giữa bối cảnh Sàn giao dịch Kim loại London (LME) tháng này rơi vào hỗn loạn. Đây là điều bất ngờ bởi Nga chiếm khoảng 4% sản lượng đồng toàn cầu.

Thị trường đồng chỉ bị rung chuyển trong một thời gian ngắn bởi cuộc khủng hoảng ký quỹ dẫn đến việc sàn LME đình chỉ giao dịch Nickel trong ngày 8/3, khiến đồng tăng giá đột biến trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, là 10.845 USD/tấn.

Nhưng kể từ đó, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn LME – tham chiếu cho thị trường toàn cầu – đã không dao động mạnh. Hiện đồng đang ở mức giá 10.340 USD/tấn.

Lý do đồng dường như đứng ngoài cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine một phần bởi giá đồng đã giảm đáng kể kể từ sau đợt bất ổn hồi tháng 10 năm ngoái – khi sàn LME cũng phải can thiệp để hạn chế tình trạng các kho của sàn không có sẵn đồng để đáp ứng các yêu cầu giao hàng, bằng cách mở một cuộc điều tra, yêu cầu các ngân hàng và nhà môi giới cung cấp thông tin về hoạt động của họ và khách hàng của họ trên thị trường đồng trong 2 tháng gần nhất.

Mặt khác, nguồn cung đồng của Nga gần như không bị gián đoạn bởi cuộc xung đột ở Ukraine, khác với các kim loại công nghiệp khác, chẳng hạn như nickel – đã bị rung chuyển đến mức tan vỡ bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Nhưng vì sao lại như vậy?

Nga là nhà sản xuất đồng lớn với sản lượng đồng tinh chế khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng 4% sản lượng toàn cầu. Nga cũng là một nhà xuất khẩu lớn đối với cả đồng chưa gia công và dây đồng, nhưng không nắm giữ vị trí điều khiển chuỗi cung ứng ở phương Tây như palladium – mặt hàng mà chỉ riêng Norilsk Nickel đã chiếm 45% sản lượng toàn cầu.

Hơn nữa, phần lớn đồng do Nga sản xuất được xuất khẩu đến Trung Quốc, nơi hấp thụ khoảng 400.000 tấn đồng mỗi năm của Nga. Giả định các thị trường khác trên thế giới (trừ Trung Quốc) có thể sống sót không có đồng Nga, và Trung Quốc đơn giản sẽ chỉ cần hấp thụ những gì bị tẩy chay khỏi thị trường phương Tây.

Đó có lẽ là một trong những lý do giải thích tại sao Ủy ban Đồng của LME, đại diện cho nhiều người tiêu dùng, nhà sản xuất và thương nhân, cảm thấy có thể bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm tiếp nhận đồng Nga vào sàn giao dịch.

Kim loại đồng ‘bình thản’ giữa cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine? - Ảnh 1.

Các thị trường xuất khẩu đồng của Nga năm 2020.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành của LME đã nói rõ rằng họ không có kế hoạch đơn phương cấm bất kỳ kim loại nào của Nga. "Chúng tôi không có kế hoạch thực hiện hành động độc lập ngoài phạm vi trừng phạt của chính phủ như đặt ra các hạn chế lưu thông kim loại được sản xuất tại Nga trong hệ thống LME"; Ưu tiên của chúng tôi là duy trì một thị trường có trật tự vì lợi ích của tất cả những người tham gia thị trường và do đó, chúng tôi sẽ duy trì đối thoại với các chính phủ khi tình hình trở nên căng thẳng hơn", thông tin từ sàn LME cho biết.

Sàn LME có lý của riêng họ bởi không phải ai cũng quá lạc quan về hậu quả của "chiến dịch đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Goldman Sachs lập luận rằng đồng đang "định giá sai rủi ro nguồn cung của Nga", và kim loại này vẫn chưa thoát ra khỏi siêu chu kỳ tăng giá, với khả năng giá sẽ đạt 12.000 USD/tấn trong vòng 12 tháng tới.

Xuất khẩu đồng của Nga không ổn định

Dòng chảy xuất khẩu đồng của Nga có nhiều sắc thái và rất khó phân tích. Xuất khẩu đồng tinh chế chưa gia công của nước này đạt tổng cộng 463.000 tấn vào năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2014, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC). Lý do bởi sản lượng của Norilsk Nickel bị sụt giảm đáng kể do mỏ khai thác bị ngập lụt và sự gián đoán thương mại toàn cầu do Covid-19 và khủng hoảng vận tải, dẫn đến việc Chính phủ phải áp thuế xuất khẩu tạm thời 15% từ tháng 8 đến tháng 12/2021 nhằm bình ổn nguồn cung trong nước.

Điều đáng chú ý là xuất khẩu đồng của nước này trong tháng 1/2022 đạt mức cao khổng lồ, 117.000 tấn, so với 35.500 tấn của tháng 1/2021, do dòng chảy xuất khẩu bùng nổ sau khi thời hạn áp thuế kết thúc.

Xuất khẩu đồng của Nga đạt trung bình khoảng 700.000 tấn trong giai đoạn 2018-2020, được bổ sung bởi 150.000 tấn dây đồng, cao hơn rất nhiều so với con số của năm 2021.

Tuy nhiên, các số liệu thương mại năm ngoái cho thấy sự thắt chặt đáng kể dòng chảy đồng của Nga sang Trung Quốc. Dữ liệu của Nga cho biết Nga xuất khẩu 155.000 tấn đồng sang Trung Quốc, trong khi dữ liệu của Trung Quốc cho rằng họ đã nhập khẩu 403.000 tấn đồng Nga.

Có sự chênh lệch tương tự trong các số liệu thương mại năm 2020, Nga xuất khẩu 276.000 tấn sang Trung Quốc và Trung Quốc nhập khẩu 420.000 tấn đồng Nga.

Rõ ràng là một lượng đồng đáng kể đồng của Nga đang được vận chuyển đến Hà Lan - điểm đến lớn thứ hai sau Trung Quốc – sau đó được chuyển qua hệ thống giao dịch hàng thực hoặc LME trước khi lên tàu đến Thượng Hải.

Theo Goldman Sachs, mặc dù có một tuyến đường sắt trực tiếp giữa Nga và Trung Quốc, hiện được sử dụng để vận chuyển quặng đồng, nhưng tuyến đường này có rất ít khả năng dự phòng cho đồng tinh luyện. Phần lớn xuất khẩu đồng tinh luyện của nước này sang Trung Quốc đi qua Biển Đen hoặc qua các cảng châu Âu như Rotterdam. Cả hai tuyến đường vận chuyển đang ngày càng trở nên khó khăn khi các công ty hậu cần tự động dừng giao dịch với Nga, làm gián đoạn hoạt động thương mại đường biển của Nga.

Goldman cho biết thêm rằng: "Cho đến khi những biện pháp trừng phạt giảm bớt, đồng của Nga có khả năng bị loại khỏi thị trường. "

Lượng dự trữ đồng còn rất ít

Vấn đề là chuỗi cung ứng đồng tinh chế toàn cầu hiện tại có thể xử lý sự gián đoạn nguồn cung đồng Nga với quy mô đó ở mức độ nào?

Dự trữ đồng toàn cầu hiện đang ở mức thấp. Các kho của sàn LME, sàn Thượng Hải và sàn CME hiện chỉ có tổng cộng 276.000 tấn.

Tổng dự trữ đã tăng 85.800 tấn từ đầu năm đến nay, nhưng đó là do lượng dự trữ theo mùa ở Trung Quốc thường tăng vào dịp Tết Nguyên đán. So với cùng thời điểm này năm ngoái, lượng đồng lưu kho của các sàn giao dịch đã giảm 121.000 tấn.

Lượng đồng trong các kho dự trữ của sàn LME đã giảm gần 9.000 tấn kể từ đầu năm đến nay, hiện chỉ có 79.975 tấn, tương đương với mức sử dụng toàn cầu chỉ hơn một ngày.

Sàn LME đã mở rộng thời hạn giao nhận đồng từ tháng 10 năm ngoái, song điều đó cũng liên quan đến giới hạn lùi đối với tất cả các hợp đồng chính giao dịch trên sàn LME.

Nhìn chung, với lượng đồng lưu kho trên sàn LME gần như cạn kiệt thì thị trường này rất dễ bị tổn thương bởi bất kỳ hoạt động mua hoảng loạn nào nếu xảy ra, như khoảng thời gian tháng 10 năm ngoái, trước khi sàn LME can thiệp vào thị trường đồng.

Đồng của Nga vẫn chưa bị trừng phạt và sàn LME không cấm Nga giao dịch kim loại này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Và ngay cả khi có lệnh cấm, chắc chắn rằng đồng Nga sẽ dễ dàng tìm được nơi tiêu thụ, đó là Trung Quốc.

Tuy nhiên, để Nga đưa được đồng sang Trung Quốc thì cũng phải chuyển qua châu Âu, và điều đó lúc này trở nên vô cùng khó khăn. Do đó, việc điều chỉnh lại dòng chảy thương mại cho mặt hàng đồng của Nga có thể sẽ vô cùng khó khăn.

Tham khảo: Refinitiv

https://cafef.vn/kim-loai-dong-binh-than-giua-cuoc-khung-hoang-nga-ukraine-20220327005526897.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên