MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có hiện tượng bán phá giá

12-12-2013 - 12:12 PM |

Bộ Công Thương vừa có Báo cáo sơ bộ về vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan vào thị trường Việt Nam.

Đây là một trong số ít những vụ kiện chống bán phá giá mà nguyên đơn là các đơn vị trong nước.

Báo cáo sơ bộ kết luận, có hiện tượng bán phá giá vào thị trường Việt Nam từ 4 nước, vùng lãnh thổ thuộc diện điều tra với các biên độ bán phá giá được xác định cụ thể; ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng bán phá giá và thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với mức thuế chống bán phá giá từ 6,45% - 30,73%. Mức thuế cho các nhà sản xuất, xuất khẩu khác từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, và Đài Loan không có tên trong cuộc điều tra sơ bộ này hoặc nhà sản xuất, xuất khẩu không thông báo, đăng ký bên liên quan với cơ quan điều tra và mức thuế bình quân của các doanh nghiệp chọn mẫu.

Trước đó, ngày 2/7/2013, Bộ Công Thương đã có quyết định điều tra và hiện nay, Cơ quan điều tra đã cơ bản hoàn tất quá trình điều tra sơ bộ.

Cơ quan điều tra đã nhận được 8 bản trả lời câu hỏi điều tra vắn tắt của các doanh nghiệp Trung Quốc, 8 bản của các doanh nghiệp Đài Loan, 1 bản của các doanh nghiệp Indonesia, và 2 bản của các doanh nghiệp Malaysia. Cơ quan điều tra cũng nhận được 20 bản trả lời của các nhà nhập khẩu và 4 bản trả lời của các nhà sản xuất trong nước.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan. Ngành sản xuất trong nước khẳng định, nguyên đơn không đáp ứng được các tiêu chí về ngành sản xuất trong nước vì nguyên đơn hoặc công ty có liên quan của nguyên đơn cũng đồng thời là nhà nhập khẩu khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra. Việc áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế, xã hội trong nước, nhất là đối với ngành sản xuất sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng điều tra như là đầu vào của quá trình sản xuất.

Một số ý kiến khác cho rằng, có những chủng loại sản phẩm nằm trong phạm vi của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra nhưng các nhà sản xuất trong nước không sản xuất hoặc không sản xuất được phải loại ra khỏi diện hàng hóa thuộc đối tượng điều tra. Cũng có ý kiến quan ngại về khả năng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của nguyên đơn nếu như biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Các ý kiến trên đã được cơ quan điều tra phân tích lý giải cụ thể trong báo cáo.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương công bố Báo cáo sơ bộ về vụ kiện, đại diện của 18 doanh nghiệp chính trong ngành công nghiệp sản xuất inox Việt Nam đã phản đối về nhiều điểm trong kết luận sơ bộ.

Tháng 5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty Cổ phần Hòa Bình Inox (là hai doanh nghiệp chiếm tới 80% thị phần thép inox tại Việt Nam) yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Hải Nam

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên