MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh cà phê: Chuyên nghiệp thì ít tay ngang thì nhiều

10-06-2018 - 08:03 AM | Doanh nghiệp

Kinh doanh quán cà phê hiện nay đang trở nên rất đông đảo với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Điều này thể hiện rõ qua số lượng và mật độ các quán cà phê đang trở nên dày đặc. Bạn chỉ cần rảo qua vài tuyến phố là có thể nhận ra rất nhiều quán cà phê san sát với nhiều phong cách khác nhau.

Nghĩ kinh doanh cà phê đơn giản, nhiều nhân viên văn phòng, người có vốn hay chỉ đơn giản là người có quỹ đất nhàn rỗi liền bắt tay kinh doanh. Do là tay ngang nên họ không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm, số lượng nhà đầu tư vào lĩnh vực này cũng nhiều mà thua lỗ cũng nhiều

Không những vậy, một số nhà đầu tư hầu như chưa có trải nghiệm kinh doanh thực tế, các kinh nghiệm của những bạn này thường chỉ đến từ các buổi nói chuyện, trao đổi cùng với bạn bè và một số người có chút kinh nghiệm kinh doanh. Với nền kiến kiến thức chưa sâu nên khi bắt đầu vào kinh doanh cà phê, bạn sẽ nhanh chóng gặp rất nhiều khó khăn vì các vấn đề phát sinh ngoài dự tính dẫn đến mệt mỏi, nản chí.

Không có thời gian quản lý cũng là một lý do khiến nhiều quán cà phê dù mở ra nhưng lại không có nhiều sự thay đổi. Như đã nói ở trên, một số các nhà đầu tư này hiện đang có một công việc chính và họ chỉ xem công việc kinh doanh cà phê là phụ.

Khi công việc chính trở nên quá bận rộn, họ sẽ không thể kiểm soát công việc được cả ở hai bên. Một số bạn lúc này sẽ phải đành sang lại quán, giảm thiểu áp lực công việc.

Đầu tư để mở và duy trì một quán cà phê không đơn giản. Có nhiều vấn đề phát sinh mà chúng ta không lường trước được. Nếu bạn chỉ mới kinh doanh cà phê và xem công việc kinh doanh này là phụ, bạn nên kết hợp làm chung với một bạn có kinh nghiệm hơn, mục đích là vừa không bị thua lỗ, vừa học thêm nhiều kinh nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro cho các dự án sau này

Lưu ý rằng, việc kết hợp với người khác cũng như một con dao hai lưỡi. Khi bạn kết hợp cùng kinh doanh cà phê với ai thì cũng hãy nên làm rõ quyền hạn và lợi ích của các bên. Tránh trường hợp có những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.

Một cách khác, bạn có thể xin làm bán thời gian tại một quán cà phê mà bạn muốn quán của mình hướng đến. Từ đó, bạn sẽ học hỏi được những kinh nghiệm thực tế từ quản lý, bán hàng, hay cách phục vụ. Sau đó, với những gì đã học được, bạn có thể áp dụng lại cho quán cà phê sắp tới của mình.

Đối với những nhà đầu tư kinh doanh cà phê nghiệp dư. Chúng ta hãy xem việc đầu tư mở quán cà phê như là một cơ hội học hỏi, điều này giup chúng ta giảm bớt đi nhiều áp lực tâm lý. Từ đó, chúng ta có thể hoàn thiện dần về công thức, quản lý để trong những lần đầu tư tiếp theo có thể thành công hơn.


Theo Lê Nhật Luân

Trí thức trẻ

Trở lên trên