MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành Thành Công và những cuộc mua bán ngọt vị đường

28-05-2011 - 14:59 PM |

Ba thập kỷ trước, khi mới ra đời, Thành Thành Công là tên của một cơ sở kinh doanh gia đình chuyên phân phối mật rỉ đường.

Bây giờ công ty cổ phần sản xuất thương mại Thành Thành Công không chỉ đứng đầu trên thị trường mật rỉ, mà còn là một trong những nhà phân phối đường chính, đồng thời xâm nhập sâu lĩnh vực sản xuất này.
 
Một trong những cội nguồn dẫn tới vị thế hôm nay của Thành Thành Công là những cuộc mua bán doanh nghiệp.

Khi nhà máy đường Ninh Hoà kỷ niệm năm năm ngày chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, những công nhân nhắc nhiều đến sự thay đổi trong thu nhập của họ. Trước cổ phần hoá, thu nhập nhân viên nơi đây bình quân chưa đầy 1,2 triệu đồng/người/tháng, so mức hiện tại 4,7 triệu đồng/người/tháng. Người ta cũng chưa quên thời ấy nhà máy năm lỗ nhiều hơn năm lãi.

Từ Ninh Hoà đến Bourbon

Ngày Ninh Hoà bán cổ phần, Thành Thành Công đăng ký tham gia và trở thành cổ đông lớn. Ninh Hoà cần một nhà đầu tư chiến lược, giúp họ ở khâu phân phối cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và công suất nhà máy. Phân phối là nghề của Thành Thành Công, còn công nghệ và năng suất cả hai phải cùng hợp tác. Thế mạnh của một nhà phân phối cùng với tiềm lực tài chính của một doanh nghiệp sở hữu 1.700 tỉ đồng vốn tự có từ phía Thành Thành Công đã giúp Ninh Hoà phát triển vùng mía nguyên liệu và nâng công suất nhà máy lên gấp hơn 2,5 lần. Năm 2010 lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, lợi nhuận trước thuế của Ninh Hoà vượt mức 100 tỉ đồng (trên vốn điều lệ 81 tỉ đồng).

Sau Ninh Hoà, Thành Thành Công bỏ vốn vào hàng loạt công ty đường khác như La Ngà, Phan Rang, Biên Hoà với tỷ lệ sở hữu từ 4 – 22%. Bà Huỳnh Bích Ngọc, chủ tịch hội đồng quản trị Thành Thành Công cho biết: “Chúng tôi tham gia vào quá trình cổ phần hoá ngành đường vì sự phát triển của ngành cũng đồng nghĩa với sự phát triển của Thành Thành Công. Hiện tại không ít doanh nghiệp chào mời chúng tôi đầu tư, nhưng nói thực là công ty phải tính toán. Mở rộng nhanh quá mà quản trị không theo kịp cũng nhức đầu lắm”.

Lối nghĩ và tầm nhìn của Thành Thành Công đã lọt vào “mắt xanh” của ông Jacques de Chateauvieux, chủ tịch tập đoàn Bourbon (Pháp). Khi quyết định chia tay Việt Nam, Bourbon đã chủ động tìm đến Thành Thành Công để nhượng lại công ty mía đường Bourbon Tây Ninh. Trong mỗi cuộc thương lượng mua bán doanh nghiệp, giá cả bao giờ cũng là yếu tố quyết định. Với Bourbon giá bán rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là tìm được đối tác có thể tiếp quản nhà máy để không ảnh hưởng đến người lao động và nhất là giữ được cái tên uy tín Bourbon. Ông Jacques de Chateauvieux đã chào một cái giá vừa phải, có chút ít khoảng cách cho Thành Thành Công ngã giá. Kết quả là giữa tháng 11 năm ngoái, Bourbon ký hợp đồng bán 68,52% cổ phần còn lại (trước đây Bourbon đã cổ phần hoá và giảm tỷ lệ sở hữu) cho Thành Thành Công và một số pháp nhân với giá 34 triệu euro.

Giới tài chính đánh giá Bourbon là vụ chuyển nhượng khá hời cho bên mua bởi khi ấy giá cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE của Bourbon Tây Ninh cao hơn gần 30% so với giá bán cho Thành Thành Công. Sự chiết khấu mà Bourbon chấp nhận có lẽ nằm ở chỗ trong số những ứng cử viên mua, không đơn vị nào có thể cạnh tranh với Thành Thành Công về sự gắn bó với ngành mía đường.

Nặng sản xuất, nhẹ phân phối

Phân phối đường đơn thuần không mang lại lợi nhuận biên cao. Những đơn vị phân phối đường chủ lực ở phía nam như Toàn Phát, Minh Tâm, Kim Hà, Công nghệ thực phẩm và Thành Thành Công hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Ngoài đầu tư cho kho bãi và phương tiện vận chuyển tiêu tốn một số vốn lớn, các doanh nghiệp phân phối khi mua đường phải ứng tiền trước và mua sỉ trong khi bán thì gối đầu, thu tiền sau. Chi phí chuyển hàng cho các đại lý cấp hai, cấp ba như chợ, cửa hàng, siêu thị… tương đối cao. Thành ra mỗi ký đường nhà phân phối lời trung bình chỉ khoảng 100 đồng.

Tỷ trọng lợi nhuận lớn nhất của Thành Thành Công, vì thế, không đến từ mảng phân phối, mà từ kinh doanh mật rỉ. Năm 2009 lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 112 tỉ đồng, năm 2010: 90 tỉ và năm nay dự kiến chừng 50 tỉ đồng. “Lãi suất đang rất căng, dự trữ đường là bị đọng vốn, do đó năm nay có lợi nhuận là may rồi” – bà Ngọc nói. Theo bà, chính trong thời điểm khó khăn này của nền kinh tế, Thành Thành Công bắt đầu tái cơ cấu theo định hướng nặng về sản xuất, nhẹ về phân phối. Đây là lúc việc góp vốn vào các nhà máy đường phát huy tác dụng.

Thành Thành Công có đủ tiềm lực để “mua” thêm các công ty đường, nhưng họ không làm thế. Thay vào đó họ nâng tỷ trọng đầu tư vào những doanh nghiệp đang sở hữu cổ phần nhằm tạo một sự liên kết mạnh mẽ. Chẳng hạn mới đây Bourbon Tây Ninh đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu của công ty đường Biên Hoà. Bourbon Tây Ninh có một đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản và Thành Thành Công lấy đội ngũ này làm nòng cốt để nhân rộng ra các công ty khác, đặc biệt trong khâu khuyến nông và giống mía.

Bà Ngọc khẳng định công ty chưa có kế hoạch lên sàn. Xét về quy mô, với số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, Thành Thành Công đang vươn vai nhanh, nhưng họ muốn tạo một cái nền vững dựa vào chu trình khép kín từ vùng nguyên liệu – sản xuất – phân phối đến tiêu thụ. Không quá khó để nhìn ra chiến lược của Thành Thành Công: củng cố những nhà máy vệ tinh đã mua một phần, nâng thị phần, tiến tới mua toàn bộ. Liệu họ có đi những bước dài hơn trong hoạt động M & A?

Theo Hải Lý
SGTT

duchai

Trở lên trên