MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du xuân đông như... quân Nguyên, vườn đào hốt chục triệu mỗi ngày

04-02-2013 - 07:43 AM |

Vườn hoa Bách Nhật phục vụ ít nhất 300 khách trong dịp lễ, cho thu nhập tối thiểu 12 triệu/ngày.

Hà Nội những ngày cận tết, nắng ấm, khách kéo đến các vườn hoa làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) chụp ảnh, du xuân đông như trẩy hội. Những bãi trông giữ xe và vườn hoa rơi vào tình trạng “quá tải”, các chủ vườn và nhân viên phải làm việc hết công suất. Đó là điểm chung PV ghi nhận được ở các dịch vụ cho thuê vườn hoa chụp ảnh ngày ông Công ông Táo (tức Chủ nhật, ngày 10/01/2013).


Bên luống hoa păng-xê

Kinh doanh kiểu "chặt chém"

Cách mặt đường Nghi Tàm chưa đầy 200 mét, các vườn hoa với những luống hướng dương, hoa cánh bướm, păng-xê, cúc bách nhật, violet,... nở rộ, mà chủ đạo là màu đỏ, phớt hồng của những cây đào đang bước vào thời kỳ rực rỡ nhất của mùa xuân. Vườn hoa Bách Nhật tuy không gian chật chội, hoa không đa dạng và cách bài trí chưa sáng tạo như một số ruộng hoa khác nhưng vẫn hút khách nhờ vị trí đẹp. Một vị thế nữa là bãi trông giữ xe của vườn hoa này nằm án ngữ ở ngay lối vào, khiến nhiều người hiểu là nơi gửi xe của toàn khu.


Đường vào bãi gửi xe vườn hoa Bách Nhật.

Nhóm chúng tôi có ba người cũng chọn Bách Nhật là điểm gửi xe. Sau khi lấy vé với mức phí 10.000 đồng/xe, chúng tôi bước ra khỏi bãi thì bị một người đàn ông mặc áo xanh, khoảng 35 tuổi chặn lại, yêu cầu mua vé vào vườn. Sau khi biết ý định muốn đi quan sát một số nơi rồi mới mua vé của chúng tôi, người này liền buông những lời khó nghe và định giở trò côn đồ, nói: “Không nhìn thấy biển lù lù ngoài kia à? Đã gửi xe ở đây phải chụp ảnh ở đây. Lấy vé đi, 30.000 đồng một người”. May thay cô bạn tôi mềm mỏng: “Hội em ra kia có chút việc rồi lát quay lại”. Lúc đó, người đàn ông này mới dịu giọng mặc dù mặt vẫn đỏ tía tai, mồ hôi nhễ nhại. Trong khi đó, nhiều người rơi vào trường hợp của chúng tôi thường xuề xòa mua vé cho xong.

Thì ra thời điểm cận Tết khách đến quá đông nên bãi xe chỉ ưu tiên trông xe cho những người chụp ảnh ở vườn hoa của mình. Nhất lại rơi đúng vào ngày nghỉ, những chiếc xe máy chật kín bãi càng khiến các bãi xe làm cao. Không chỉ vậy, giá vé vào vườn hoa cũng đội lên gấp đôi so với những ngày đầu tháng Chạp. 

Anh Ngọc, nhà ở phố Nghĩa Tân, Hà Nội, cho biết: “Nghỉ lễ đưa cả nhà đi du xuân thấy cái gì cũng đắt. Cách đây vài hôm bạn tôi bảo vé vào vườn hoa là 10.000 - 15.000 đồng, giờ thấy đông khách họ bắt chẹt tăng giá, vào thì vào không vào thì thôi, họ cũng không cần. Nhưng lâu lâu mới có dịp cho vợ con đi chơi, nên cứ thoải mái”. 

Ngay tại cổng các vườn hoa có lượng khách đến đông, ngồi chật kín cả quán nước, dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, dù đã hỏi giá ngay từ đầu nhưng nhiều người mua đồ ăn vẫn cảm thấy như bị “ăn cướp” khi số tiền bỏ ra không xứng với dịch vụ mà mình được phục vụ.

Chị Hiền, quê ở Nam Định, chia sẻ: “Đưa các bạn miền Nam đi ngắm hoa đào, mua thịt xiên nướng họ đòi 15.000 một que nhỏ xíu. Sáu người chúng tôi ăn mỗi người 4 que chẳng thấm vào đâu. Lần sau ăn uống gì mình nên chuẩn bị từ trước”.

Trong khi đó, nhiều người lại không tỏ ra ngạc nhiên với tình trạng tăng giá trong những ngày cận Tết, mà cho đó là việc “đương nhiên” nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý. Tuy nhiên, việc tăng giá gấp hai, ba lần so với đầu mùa thì thật đáng chê trách. 


Xích đu là phụ kiện chụp ảnh khá hút khách.

"Hốt bạc"

Về phần mình, sau khi khảo sát một vòng chúng tôi đã tìm được vườn hoa Phương Linh ưng ý hơn cả. Vườn hoa này có mức phí vào cửa là 20.000 đồng/người. Ở đây, chủ vườn trồng những luống hoa xen kẽ nhau trông khá đẹp mắt. Điểm khác biệt của năm nay là các chủ vườn đã sáng tạo bài trí các dụng cụ chụp ảnh như xích đu, hàng rào, khung tranh hình trái tim, những luống hoa được xếp chữ “I love you” dành cho các đôi tình nhân, xe đạp, bàn ghế và những cổng tre cổ kính được thiết kế khá công phu. Cũng nhờ đây, người trồng hoa không phải bán hoa như trước nữa mà có nguồn thu chính từ kinh doanh dịch vụ tham quan vườn. Theo quan sát của PV dựa trên lượng khách tham quan và giá vé vào cửa, ước tính mỗi chủ vườn cũng bỏ túi vài triệu đồng mỗi ngày. 

Sau khi khảo sát một số vườn hoa quanh vùng, chúng tôi trở lại bãi để xe Bách Nhật. Người đàn ông trông xe ban sáng không những không nhận ra chúng tôi, còn hỏi thăm ân cần. Anh này cho biết dịp cuối năm rất đông khách, mỗi ngày bãi trông khoảng hơn trăm chiếc xe, riêng ngày nghỉ lên đến trên 300 xe. Như vậy, nếu tính trung bình mỗi ngày vườn hoa này đón bình quân 200 khách, thu nhập bình quân tính cả tiền gửi xe và vé vào cửa lên đến 8 triệu đồng/ngày. Riêng dịp nghỉ lễ, vườn hoa phục vụ 300 khách, cho thu nhập 12 triệu/ngày. Đó là chưa kể giá trông xe ô tô theo đoàn đám cưới là 100.000 đồng, các bạn trẻ thường đi chung xe. 

Đào nhựa góp mặt trong vườn hoa Bách Nhật.

Điều này cho thấy việc nông dân quy hoạch làm dịch vụ không những mang lại nguồn thu khá hơn nhiều so với việc trồng hoa cảnh, đào, quất bán trong dịp tết, mà đây còn là dịch vụ “hốt bạc”. Và, sẽ chẳng mấy ngạc nhiên khi những năm tới đây, nhiều hộ nông dân bỏ hẳn việc chuyên trồng đào truyền thống mà đầu tư hoa đào giả phục vụ khách chụp ảnh. 

“Nhật Tân đang mất dần đất trồng đào, mà thế vào đó là những nhà cao tầng. Năm nay, điều chua chát nhất là người ta lại thiết kế hẳn những vườn đào giả ngay trên đất đào để phục vụ tham quan, chụp ảnh. Vậy mà người ta cũng chen nhau tạo dáng bên những cây đào nhựa thô thiển”, một người Việt xa xứ trăn trở với đào Nhật Tân và văn hóa Hà thành chua chát nói.

Tân Hoa

tanhoa

Trở lên trên