Kinh tế Mỹ 2017 nhìn vào đồng USD và lời hứa của Trump
Các nhà đầu tư cho rằng chính quyền Trump sẽ giảm thuế, tăng chi tiêu chính phủ, và nới lỏng các quy chế giám sát...
- 30-12-2016Nga bắt đầu đáp trả trừng phạt của Mỹ
- 30-12-2016Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ có hai Tổng thống cùng lúc
- 30-12-2016Nga gọi Mỹ là "dối trá", thề sẽ trả đũa Mỹ sau lệnh trừng phạt của Obama
Đồng USD tăng giá sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế Mỹ trong năm 2017, có thể theo chiều hướng tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào việc Tổng thống đắc cử Donald Trump có thực thi những lời hứa về thúc đẩy tăng trưởng hay không - hãng tin Bloomberg nhận định.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 10 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng 5,7% kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11.
Sự tăng giá này chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng của các nhà đầu tư cho rằng chính quyền Trump sẽ giảm thuế, tăng chi tiêu chính phủ, và nới lỏng các quy chế giám sát. Tất cả những chính sách này, nếu được thực thi, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, theo đó buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất.
Kỳ vọng về các biện pháp kích cầu xuất hiện trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức 4,6%, thấp nhất kể từ trước khi xảy ra suy thoái kinh tế hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009. Bên cạnh đó, lạm phát ở Mỹ cũng đang nhích gần tới mục tiêu 2% của FED.
Cho dù chưa tính hết các kế hoạch tài khóa của chính quyền Trump, các quan chức FED trong cuộc họp tháng 12 vừa qua đã dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, thay vì hai lần như dự kiến trước đó, đồng thời phát tín hiệu tin tưởng hơn về triển vọng nền kinh tế.
Hôm 17/11 vừa qua, Chủ tịch FED Janet Yellen thậm chí cảnh báo trước Quốc hội Mỹ rằng các biện pháp kích cầu mới có thể gây “hệ quả lạm phát” mà FED phải tính đến khi cân nhắc chính sách tiền tệ.
Trong môi trường như vậy, một đồng USD mạnh sẽ giúp FED giữ cho nền kinh tế Mỹ tránh khỏi tăng trưởng quá nóng thông qua cản trở xuất khẩu và kiềm chế lạm phát trong trường hợp Trump thực hiện các biện pháp kích cầu như đã hứa.
Tuy nhiên, nếu Trump chỉ nói mà không làm, hoặc các biện pháp của Trump mất một thời gian dài mới phát huy tác dụng, thì sự tăng giá của đồng USD lại có thể sẽ gây thách thức cho kinh tế Mỹ.
“Thị trường đã phản ánh [vào tỷ giá đồng USD] sự hoàn hảo ở Mỹ vào năm tới. Nếu một phần của chính sách tài khóa [mà Trump hứa hẹn] bị trì hoãn hoặc không được thực thi, hoặc không có tác dụng đối với tăng trưởng như kỳ vọng, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ vào năm tới sẽ giảm sút do ảnh hưởng của đồng USD mạnh và lãi suất tăng”, ông Lee Ferridge, chiến lược gia vĩ mô cấp cao thuộc State Street Corp., đánh giá.
Cũng cần phải nói thêm rằng đồng USD tăng giá còn do bối cảnh quốc tế. Các chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, so với mức dự báo tăng 1,4% dành cho khu vực Eurozone và 1% dành cho kinh tế Nhật.
Tăng trưởng và lãi suất cao hơn ở Mỹ so với các nền kinh tế lớn khác đồng nghĩa với nhu cầu USD gia tăng do các công ty nước ngoài mở rộng hoạt động tại Mỹ và các nhà đầu tư mua mạnh các loại tài sản bằng đồng USD.
Về lý thuyết, đồng USD tăng giá khiến hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài, vì thế khó cạnh tranh hơn. Ngược lại, USD tăng giá kiềm chế lạm phát ở Mỹ thông qua khiến hàng hóa nhập khẩu vào nước này có giá rẻ hơn.
Trong một bài viết hồi tháng 7/2015, Mary Amiti và Tyler Bodine-Smith, hai chuyên gia kinh tế thuộc FED chi nhánh New York, ước tính rằng nếu đồng USD tăng giá 10% trong vòng 1 quý, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ sụt giảm 0,5 điểm phần trăm trong cả năm.
Nếu tính cả đợt tăng từ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thì đồng USD đã tăng giá 7,1% trong quý 4/2016, mức tăng mạnh nhất trong một quý kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, đồng USD có thể suy yếu nhanh chóng nếu ông Trump không thực thi lời hứa kích cầu tăng trưởng.
Quốc hội Mỹ vẫn nắm quyền quyết định cuối cùng, và cho dù Đảng Cộng hòa của Trump đang kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, một số thành viên chủ chốt có thể không muốn ủng hộ những chính sách khiến thâm hụt ngân sách gia tăng. Bởi vậy, có thể phải mất phần lớn thời gian của năm 2017 để xác định rõ ràng về triển vọng chính sách của Trump. Và trong thời gian đó, đồng USD có thể giảm giá trở lại.
Điều này khiến FED càng “đau đầu” hơn. Các quan chức của ngân hàng trung ương này sẽ phải cân nhắc triển vọng tăng trưởng và lạm phát trong trường hợp Trump thực thi các chính sách kích cầu, và cả trong trường hợp Trump không giữ đúng lời hứa.
“Nếu không có điều gì xảy ra trên phương diện chính sách tài khóa, FED sẽ phải thận trọng hơn, và có lẽ họ sẽ không tăng lãi suất 3 lần trong năm tới” ông Roberto Perli thuộc công ty Cornerstone Macro LLC ở Washington nhận định. “Họ có thể sẽ chỉ tăng lãi suất 1-2 lần”.
Ngược lại, nếu Trump thúc đẩy các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và mang lại hiệu quả, thì theo ông Perli, FED sẽ phải tăng tốc trong vấn đề lãi suất để ngăn kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Nhưng FED cũng sẽ phải “tính đến triển vọng toàn cầu”, ông Perli nói. “Tăng trưởng toàn cầu sẽ không mạnh, và điều này sẽ tác động ngược lại đến Mỹ, khiến mọi thứ chậm lại đôi chút”.
VnEconomy