MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc, chính phủ 'đau đầu' không tìm thấy hướng đi: Dòng người bỏ quê lên thành phố không có dấu hiệu chững lại, người già sống trong sợ hãi ở những khu vực đang 'chết dần'

20-09-2019 - 19:26 PM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản A là các trung tâm văn hoá chính trị lớn, nơi có những doanh nghiệp hiện đại và tầng lớp giàu có tầm cỡ thế giới. Nhật Bản B là tất cả những địa điểm còn lại, với những thành phố, thị trấn nhỏ.

Khi nói đến kinh tế Nhật Bản, thực ra có 2 "nền kinh tế" trong đó. Nhật Bản A, một "hành lang" đô thị công nghiệp trải dài khoảng 300 dặm từ Tokyo qua Osaka, là những doanh nghiệp hiện đại và tầng lớp giàu có tầm cỡ thế giới. Còn ở Nhật Bản B, gần như là tất cả những nơi còn lại, các thành phố và thị trấn nhỏ đang "chết dần" khi người dân không ngừng rời đến Nhật Bản A để tìm kiếm những cơ hội mới.

Về tình trạng già hoá và suy giảm dân số, trong khi các nền kinh tế phát triển có thể sẽ rơi vào "lối mòn" tương tự, thì Nhật Bản đang dẫn đầu xu hướng này. Do đó, việc này đã trở thành một lời cảnh tỉnh đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu.

Người già mỗi ngày đều sống trong nỗi lo

Cửa hàng Misekko Asaminai nhỏ bé ở quận Akita nằm sâu trong khu vực Nhật Bản B. Đây vừa là một cửa hàng tạp hoá, vừa là nơi tập trung của những khu dân cư sống xa và tách biệt với trung tâm. Người dân đến đây để mua những đồ dùng thiết yếu và giao lưu với nhau. Vào thứ Năm hàng tuần, họ cùng nhau hát.

Sử dụng vốn từ chính phủ, cửa hàng này được mở ra từ 3 năm trước, để giải quyết một vấn đề ngày một căng thẳng hơn trong tình trạng già hoá và suy giảm dân số nhanh chóng tại vùng nông thôn Nhật Bản: khó khăn khi tiếp cận những nhu cầu cơ bản của cuộc sống hiện đại như chăm sóc sức khoẻ và các cửa hàng tạp hoá.

Hoạt động này được tổ chức nhằm giúp những người như Etsuko Kudo, 66 tuổi, đang làm việc ở đó. Cũng như nhiều người cùng thế hệ, bà sợ những điều như không thể lái xe đến các cửa hàng, đi khám bệnh hay gặp gỡ bạn bè. Bà Kudo chia sẻ: "Hiện tại thì mọi thứ đều ổn. Nhưng tôi rất lo lắng về tương lai."

Kinh tế Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc, chính phủ đau đầu không tìm thấy hướng đi: Dòng người bỏ quê lên thành phố không có dấu hiệu chững lại, người già sống trong sợ hãi ở những khu vực đang chết dần - Ảnh 1.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (UN), dân số tại vùng nông thôn Nhật Bản sẽ giảm thêm 17% chỉ trong 12 năm, từ năm 2018 đến 2030. Hơn nữa, đà giảm sẽ tiếp tục xuống sâu hơn nữa, khi dân số sẽ giảm 2% mỗi năm trong những năm 2030. Tại Mỹ, dân số khu vực nông thôn được dự đoán sẽ giảm 7,4% trong giai đoạng 2018 đến 2030. Trong cùng khoảng thời gian, dân số nông thôn ở Đức sẽ giảm 7,3%, Italy giảm 15%.

Vào những năm 2040, sự suy giảm dân số vùng nông thôn Nhật Bản thậm chí sẽ còn vượt xa mọi quốc gia trừ Bulgaria và Albania. Một số ý kiến dự đoán rằng hàng trăm thành phố và thị trấn nhỏ dần dần sẽ bị bỏ hoang. Theo tiêu chuẩn hiện tại, sẽ có rất nhiều nơi trở thành khu vực "không thể sống."

Trên thực tế, những người còn lại đang sống ở vùng nông thôn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hơn 80% các thị trấn trả lời khảo sát của bộ nông nghiệp hồi năm ngoái cho biết họ cần phải thực hiện các biện pháp để giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm, hầu hết là với lý do già hoá.

Người trẻ lũ lượt rời đi

Từ năm 2002 đến 2017, hơn 7.000 trường công lập trên khắp Nhật Bản phải đóng cửa, phần lớn nằm ở khu vực nông thôn, bởi tỷ lệ sinh của nước này vẫn ở dưới mức sinh thay thế. Trong bối cảnh ngày càng nhiều trường học ngừng hoạt động, các dịch vụ dần biến mất hay khó để tiếp cận, thì có thêm lý do để các gia đình trẻ chuyển đến những thành phố lớn.

Do hệ quả của tình trạng người trẻ di dời từ Nhật Bản B tới Nhật Bản A, tài sản hộ gia đình cũng có xu hướng chảy theo, qua sự thừa kế. Theo ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust Bank, trong 20 đến 25 năm kể từ 2014, 2/3 quận của Nhật Bản dự kiến sẽ rơi vào tình cảnh hơn 20% tài sản hộ gia đình "chảy" ra ngoài vì lý do này.

Kinh tế Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc, chính phủ đau đầu không tìm thấy hướng đi: Dòng người bỏ quê lên thành phố không có dấu hiệu chững lại, người già sống trong sợ hãi ở những khu vực đang chết dần - Ảnh 2.

Sự khác biệt giữa Nhật Bản B và khu phố Harajuku ở Nhật Bản A.

Cho đến nay, bài học đối với các quốc gia khác có thể là dòng người và tài sản chảy đến khu vực thành thị gần như là không thể dừng lại. Một số kinh tế gia Nhật Bản thậm chí còn nói rằng chính phủ nên ngừng nỗ lực và thay vào đó tập trung vào việc thích nghi với một xu hướng không thể tránh khỏi.

Dẫu vậy, chính phủ Nhật Bản vẫn không bỏ cuộc. Họ đang đưa ra những khoản hỗ trợ tiền mặt lên tới 3 triệu yen cho những ai sẵn sàng rời khỏi Tokyo để làm việc cho những công ty vừa nhỏ, hoặc tự kinh doanh. Ngoài ra, những trường học và doanh nghiệp địa phương sẽ nhận được một khoản trợ cấp. Nỗ lực của chính phủ Nhật Bản đã gặt hái được những thành tựu ban đầu, như tạo thêm việc làm cho người trẻ. Dẫu vậy, điều cốt lõi vẫn chưa thể thay đổi.

Thật vậy, chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe phần lớn vẫn tập trung vào và mang lại lợi ích cho Nhật Bản A. Tại khu vực này, 126 triệu người - tương đương gần 1 nửa dân số cả nước, đang sinh sống trên 14% diện tích đất liền. Về mặt chính trị thì điều này là sự thuận lợi đối với ông Abe. Tháng 11 này, ông có thể trở thành thủ tướng có nhiệm kỳ dài nhất Nhật Bản.

Không gì có thể ngăn cản dòng người kéo đến Nhật Bản A

Kinh tế Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc, chính phủ đau đầu không tìm thấy hướng đi: Dòng người bỏ quê lên thành phố không có dấu hiệu chững lại, người già sống trong sợ hãi ở những khu vực đang chết dần - Ảnh 3.

Chiến dịch kích thích tiền tệ tham vọng nhất thế giới của họ đã không thể hồi sinh Nhật Bản B. Thực tế là, "tác dụng phụ" từ chương trình này của BOJ chỉ khiến tình hình căng thẳng hơn. Các ngân hàng khu vực, vốn đang "khổ sở" vì mô hình kinh doanh không thể kiểm soát, đang gặp nhiều rủi ro hơn chỉ để duy trì hoạt động trong bối cảnh lãi suất gần mức 0 và âm. Đối với họ, việc có được lợi nhuận thậm chí còn khó khăn hơn.

Sự chia rẽ giữa 2 khu vực của Nhật Bản ngày càng sâu sắc, dòng người trẻ rời đi, tìm kiếm cơ hội ở Nhật Bản A dường như không thể ngăn cản. Ví dụ, ở trường hợp của Sho Ohatni 33 tuổi. Anh từ quê hương Gifu - miền tây Nhật Bản, chuyển đến Tokyo từ năm 21 tuổi. Sau khi học ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại ngôi trường danh giá Đại học Tokyo, hiện tại anh đang làm trong ngành AI. Ohtani không có ý định quay trở lại quê hương: "Tôi không thấy điều gì hứa hẹn ở Gifu."  

Hương Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên