Kinh tế Nhật Bản giảm tốc mạnh vì “vạ lây” thương chiến Mỹ-Trung
Nền kinh tế Nhật Bản gần như "tê liệt" trong quý 3 vừa qua, do tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung...
Nền kinh tế Nhật Bản gần như tê liệt trong quý 3 vừa qua, do tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung và nhu cầu suy giảm trên thị trường toàn cầu. Sự giảm tốc này gia tăng sức ép đối vơi các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong việc triển khai thêm các biện pháp kích cầu.
Đáng ngại hơn, tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản cũng yếu đi trong quý 3, trái ngược với quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho rằng nhu cầu tiêu dùng mạnh trong nước sẽ bù đắp ảnh hưởng tiêu cực từ các rủi ro trên thị trường toàn cầu.
Số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14/11 cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 0,2% trong quý 3/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, sụt tốc mạnh so với mức tăng 1,8% trong quý 2.
Mức tăng này thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 0,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời đánh dấu quý tăng yếu nhất kể từ khi kinh tế Nhật Bản giảm 2% vào quý 3 năm ngoái.
"Trước đây, nhu cầu trong nước đã bù đắp một phần sự suy giảm của nhu cầu bên ngoài, nhưng giờ đây, chúng ta không thể tiếp tục trông chờ vào điều này nữa", hãng tin Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Taro Saito thuộc NLI Research Institute.
"Nền kinh tế chắc chắn suy giảm trong quý 4 năm nay, và có thể phục hồi vào đầu năm tới, nhưng sẽ bị thiếu đà", ông Saito dự báo.
Tháng 10 vừa qua, Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ hàng hóa (sales tax) từ 8% lên 10%, và điều này khiến giới phân tích lo ngại nền kinh tế Nhật càng yếu đi trong quý cuối năm. Thực tế này dẫn tới những lời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tăng chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế.
Tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản chỉ tăng 0,4% trong quý 3, so với mức tăng 0,6% trong quý 2. Đầu tư cơ bản, một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế, tăng 0,9% trong quý 3, manh so với quý trước đó. Nhờ vậy, tổng cầu trong nước đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế Nhật Bản quý 3.
Trong khi đó, nhu cầu bên ngoài gây thiệt hại 0,2 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế Nhật, do xuất khẩu của nước này sụt giảm vì thương chiến Mỹ-Trung gây đảo lộn chuỗi cung ứng và khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh hưởng đặc biệt xấu đến các công ty xuất khẩu lớn của Nhật Bản. Tháng trước, Panasonic báo lợi nhuận hoạt động quý 3/2019 sụt 12%.
Ngoài ra, quan hệ thương mại xấu đi giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng khiến hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản thêm phần khó khăn. Do mâu thuẫn về vấn đề bồi thường cho lao động khổ sai thời chiến tranh, Nhật Bản đã áp hạn chế xuất khẩu lên vật liệu bán dẫn sang Hàn Quốc, khiến mối quan hệ giữa hai nước giảm xuống mức thấp.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang có kế hoạch triển khai một gói hỗ trợ nhằm giảm nhẹ tác động thiên tai và bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro toàn cầu gia tăng. Về phần mình, giữ nguyên chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tháng trước, nhưng phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất xuống sâu hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
VnEconomy