Kinh tế số ở Việt Nam: Sinh viên, người giúp việc kiếm việc dễ hơn
Kinh tế số đã xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam với nhiều hình thức như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, các dịch vụ liên quan đến dữ liệu...
- 06-12-2019Khi nguồn lực bế tắc
- 06-12-2019Mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Mông Cổ
- 06-12-2019Bộ trưởng Công thương: Mua sắm trực tuyến sẽ trở thành kênh thương mại hiện đại giúp Việt Nam phát triển bền vững, hướng tới phồn vinh!
- 06-12-2019Xuất nhập khẩu năm 2019: Lợi gì từ kim ngạch 500 tỷ USD?
Phát triển kinh tế số là một xu hướng tất yếu và có tính toàn cầu. Ở Việt Nam những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện các hình thức kinh tế số như các mô hình cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, chia sẻ nơi lưu trú, hoặc các dịch vụ truyền hình có trả tiền...
Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy thị trường Việt Nam rất “màu mỡ” nên đã đầu tư mạnh mẽ và thu lại nhiều lợi nhuận, mà điều đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp nước ngoài không đóng thuế. Điều này tạo nên một sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tháng 9 vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đây như là kim chỉ nam, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Thế nhưng, thực tế việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam còn đang rất nhiều thách thức. VOV giới thiệu loạt bài “Để định hình một nền kinh tế số ở Việt Nam”:
Bài 1: Những manh nha kinh tế số ở Việt Nam
Bài 2: Thách thức cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Nếu nhắc đến thành công của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ xuyên biên giới tại nước ta, chắc hẳn ai cũng biết Youtube, Facebook, Grab, Nexflix,... Tất cả những dịch vụ chúng ta sử dụng trên các nền tảng này… những tưởng là miễn phí đối với người sử dụng, nhưng thực chất là họ đều thu được rất nhiều tiền từ quảng cáo trực tuyến.
70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài như Facebook, Google.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: “Thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam có gần 70% thị phần thuộc về các công ty nước ngoài như Facebook, Google. Chỉ trong 10 năm chúng ta mất khoảng 50% thị phần quảng cáo. Vì vậy, nhiều đơn vị sản xuất nội dung cho Google, Facebook và triệt để khai thác tăng tần suất các thông tin tin tưởng vào như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác, khiến môi trường kinh doanh đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh”.
Lợi ích kinh tế rõ ràng đã làm cho các nền tảng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài đang lấn át các doanh nghiệp trong nước. Nếu tìm kiếm một ứng dụng đặt xe, khi hỏi một số người sử dụng, đa phần họ chỉ dùng Grab, với lý do như tiện lợi, giá rẻ, nhiều khuyến mãi…
Lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến cùng nguồn vốn đầu tư khổng lồ đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh và thu được nhiều lợi nhuận từ phía người sử dụng dịch vụ, cũng như người cung cấp dịch vụ trên các nền tảng đó. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp, cá nhân trong nước vẫn đang ứng dụng các mô hình công nghệ, để kinh doanh trên nền tảng số.
Đã có nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại, giúp người sử dụng có thể gọi xe ô tô, xe máy, giao - nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình,… thậm chí có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
Với tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công lên tới 30% (cao hơn mức trung bình 10% trên thế giới), nhiều năm nay Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (VSV) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chứng minh được sự phát triển chưa từng thấy của nhiều mô hình kinh tế số của các bạn trẻ người Việt. Rất nhiều nhóm khởi nghiệp thành công như Canets, Hachi, Momo, Winme, MyMoney.vn, Lozi.vn, VNPlay, VietCreative, True Jucie, Loanvi.com,… vẫn giữ vững tốc độ phát triển trong nhiều năm qua.
Phát triển kinh tế số là một xu hướng tất yếu và có tính toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT) |
Ví dụ như Canets, ứng dụng kết nối giới thiệu việc làm cho sinh viên, sau gần 3 năm hoạt động, ứng dụng này đã tạo nguồn thu nhập cho hàng chục nghìn sinh viên, với giá trị hơn 15 tỷ đồng.
Ước tính, tỷ lệ thành công sau mỗi lần tìm việc qua ứng dụng là 70%, sinh viên có thu nhập cao gấp 2 lần so với đi tìm việc ở các Trung tâm gia sư, Trung tâm giúp việc, hoặc bán hàng ngoài giờ…
Không chỉ đưa ra nền tảng giúp các gia đình có thể kết nối với sinh viên có nhu cầu tìm việc như giúp việc theo giờ, tìm gia sư dạy kèm,.. Canets còn tạo nên hệ thống đánh giá người lao động. Nhờ đó, mỗi ngày trên Canets có khoảng 30 giao dịch mới, tìm kiếm người giúp việc hoặc gia sư là các bạn sinh viên đi làm thêm.
Anh Đỗ Tiến Khải, Giám đốc điều hành, Nhà sáng lập Canets cho biết: “Chúng tôi tập trung đào tạo online, giúp giảm chi phí tìm kiếm người giúp việc, gia sư. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có hệ thống giúp gia đình và sinh viên có quản lý, vì sinh viên có thể nhận được công việc cụ thể cần làm gì trên ứng dụng”.
“Sau khi nhận được công việc, sinh viên có thể xác nhận đã hoàn thành công việc. Các gia đình có thể dựa vào đấy để biết kết quả. Hệ thống đánh giá tự động, nên người nào điểm thấp sẽ bị loại khỏi hệ thống”, anh Khải nói.
Kinh tế số đã xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam với nhiều hình thức như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, các dịch vụ liên quan đến dữ liệu... Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam thực sự đang gặp những rào cản về pháp lý, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài vốn đi trước và nhiều kinh nghiệm, ý thức của nhiều cấp chính quyền và của chính người dân./.
VOV