MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế VN năm 2014:10 điểm sáng và 3 thách thức

Nhìn một cách tổng quan, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 đã đạt được 10 điểm sáng nhưng vẫn đối mặt với 3 thách thức.

Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV vừa công bố đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2014; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014 và một số đề xuất, kiến nghị giải pháp cho năm 2015. Theo đó, kinh tế Việt Nam năm 2014 đạt nhiều điểm sáng tích cực.

Tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013: Tiếp đà tăng trưởng năm 2013, nền kinh tế Việt Nam năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực với tăng trưởng GDP quý sau tăng hơn quý trước. GDP năm 2014 ước tăng 5,98% so với năm 2013. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, chỉ số IIP cả năm 2014 ước tăng 7,6%; cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2013.

Lạm phát 2014 thấp nhất trong vòng 10 năm: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 giảm 0,24% so với tháng trước khi giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Mục tiêu kiềm chế lạm phát hoàn thành tốt hơn dự kiến nhờ sự phát huy tác dụng của các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa từ đầu năm cũng như giá cả nhiên liệu thế giới (xăng, dầu) giảm mạnh trong nửa cuối năm 2014.

Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp: Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD; tăng 13,6% so với 2013. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu năm 2014 ước đạt 148 tỷ USD; tăng 12,1% so với năm 2013, chủ yếu là tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng nguyên vật liệu. Cán cân thương mại năm 2014 tiếp tục thặng dư 2 tỷ USD và là mức thặng dư cao nhất trong những năm qua.

FDI, kiều hối tăng vượt kế hoạch, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI giải ngân năm 2014 ước đạt 12,35 tỷ USD; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, vốn đăng ký ước đạt 20,23 tỷ USD; giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 ước đạt 5 tỷ USD; bằng 77% so với mức 6,5 tỷ USD năm 2013. Về kiều hối, lượng kiều hối vào Việt Nam 2014 ước đạt 12-13 tỷ USD; tăng 10% so với năm với 2013 và là mức kỷ lục từ trước tới nay.

Thị trường tiền tệ ổn định, tăng trưởng tín dụng khả quan: Năm 2014, NHNN đã luôn bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết, nhờ đó thị trường tiền tệ được vận hành ổn định, thông suốt, thanh khoản thị trường dồi dào với xu hướng lãi suất giảm dần theo thời gian. Mặt bằng lãi suất thấp đã góp phần giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Thị trường ngoại hối ổn định trong tầm kiểm soát: Thị trường ngoại hối và tỷ giá cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành trong giới hạn biên độ đã công bố từ đầu năm của NHNN. Tính đến cuối tháng 12/2014, NHNN mới thực hiện điều chỉnh nâng tỷ giá 1% từ mức 21.036 lên 21.246 VND/USD vào ngày 18/6/2014 để hỗ trợ xuất khẩu.

Thị trường vốn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: Thị trường chứng khoán năm 2014 trải qua nhiều biến động, thậm chí có một số thời điểm hoảng loạn như hồi đầu tháng 5 do “sự kiện biển Đông”. Nhưng nhìn chung, TTCK đã có 1 năm khởi sắc, chỉ số VN-Index vượt đỉnh 5 năm vào thời điểm cuối tháng 8/2014 và chứng kiến những phiên có thanh khoản lên tới 400 triệu đơn vị cổ phiếu, giá trị hơn 6.600 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

Thị trường bất động sản tiếp tục có chuyển biến tích cực: Nhìn chung, thị trường BĐS đã có những diễn biến khả quan hơn khi giao dịch khá sôi động, đặc biệt ở các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân đã giúp các doanh nghiệp tiếp tục giải phóng được hàng tồn kho. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 77.811 tỷ đồng; giảm 50.737 tỷ đồng (tương đương giảm 39,47%) so với quý I/2013 và giảm 16.647 tỷ đồng (giảm 17,62%) so với cuối 2013.

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục sàng lọc theo hướng tích cực, từng bước vượt qua khó khăn của giai đoạn trước: Trong năm 2014, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Có thể thấy rằng xu hướng sàng lọc tiếp tục diễn ra theo xu hướng tích cực, số lượng các DN năng lực kém tiếp tục bị đào thải, trong khi các DN thành lập mới có năng lực, quy mô tài chính tốt hơn.

Công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm tiếp tục đạt được các kết quả tích cực hơn so với năm 2013: Số người có việc làm tính đến quý 4/2014 là 53,47 triệu người, tăng 678.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2014 là 2,08%, trong đó khu vực thành thị là 3,43%, thấp hơn mức 3,59% của năm trước; khu vực nông thôn là 1,47%, thấp hơn mức 1,54% của năm 2013.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Thứ nhất, sức cầu yếu, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Tổng cầu trong nền kinh tế vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính tăng 10,6%; thấp hơn so với năm 2013 (12,6%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ tăng 6,3% cao hơn so với mức tăng 5,5% của năm 2013.

Thứ hai, đầu tư và chi tiêu công tăng, gia tăng nợ công. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Quốc hội ngày 30/10, nợ công của Việt Nam từ mức 50% GDP năm 2011 tăng lên mức 50,8% năm 2012; 54,2% năm 2013; 60,3% năm 2014, với tốc độ tăng nợ công trung bình ở mức 20,9%. Tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn của Quốc hội (dưới 65% GDP), nhưng nợ công vẫn là vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền tài chính công nói riêng và ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Thứ ba, xử lý nợ xấu đạt kết quả nhưng còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm. Tuy vậy, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản như: thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa có quy định về giá cả đối với việc mua, bán nợ xấu, chưa khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, VAMC chủ yếu vẫn đóng vai trò quản lý hộ nợ xấu của các TCTD…

>>>GDP tăng trưởng vượt dự báo: “Quả ngọt” từ những nỗ lực vượt khó?

Nguyệt Quế

huongtt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên