Kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/4 có gì khác?
Thông thường giá mới sẽ được công bố vào 15h nhưng tại kỳ điều hành ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường giảm từ 0h nên giá xăng sẽ được điều chỉnh sớm hơn.
- 29-03-20223 tháng đầu năm, giá xăng tăng gần 6.000 đồng mỗi lít
- 28-03-2022Láng giềng rục rịch tăng gấp đôi giá xăng nhưng vẫn rẻ hơn Việt Nam kha khá
- 28-03-2022Giá xăng sắp tăng trở lại vào ngày 1/4 tới?
Tại họp báo quý thường kỳ Bộ Công Thương chiều 30/3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết giá xăng dầu vẫn phụ thuộc vào sự biến động của xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đồng ý giảm thuế môi trường đối với xăng dầu đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ. Theo đó, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng, bắt đầu từ 0h ngày 1/4.
Việc giảm giá này sẽ có tác động đến giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, mấy ngày gần đây, đàm phán Nga và Ukraine đã có tiến triển nên giá xăng dầu có xu hướng giảm, trong khi trước đó, giá tăng rất cao.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 25/3 giảm khá nhiều so với kỳ tính giá trước đó (ngày 21/3). Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 125,96 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 129,84 USD/thùng. Như vậy, giá xăng RON 92 và giá xăng RON 95 ở chu kỳ này giảm khá mạnh so với chu kỳ trước. Do vậy, nhiều người dự đoán rằng giá xăng sẽ giảm, đi ngang hoặc tăng không đáng kể.
Song, mức giảm giá xăng, dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/4 cụ thể ra sao cần được tính toán thêm và cũng phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành.
Cũng theo ông Hải, trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 1/4 tới sẽ có điểm hơi khác so với kỳ điều hành bình thường. Đó là trước đây, việc điều hành giá xăng dầu sẽ diễn ra 10 ngày/lần vào lúc 15h nhưng lần này, vì thuế bảo vệ môi trường giảm và có thể thực hiện sớm nên sẽ căn cứ vào đó để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.
Về nguồn cung xăng dầu, Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập khẩu xăng dầu không thể “ngày một ngày hai”. Chưa kể, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, các thương nhân đầu mối về cơ bản đều lấy hàng từ Nghi Sơn và Bình Sơn và chỉ nhập khẩu lượng hàng hoá mà 2 nhà máy này chưa đáp ứng được.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, quý II sẽ không tính lượng xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp nên bộ đã phân giao cho 10 đầu mối lớn nhất nhập khẩu xăng dầu để bù vào phần thiếu hụt này.
Riêng trong tháng 2, theo ông Hải, nhà máy Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% cho các hợp đồng, cam kết cho nhà cung cấp, việc này khiến lượng xăng dầu cả nước thiếu khoảng 17-20%. Vì thế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc đáp ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong tháng 2 và 3 là "sự cố gắng rất lớn".
Về khả năng cung ứng xăng dầu trong quý II, Bộ Công Thương cho biết, sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu người dân. Đầu tuần tới Bộ này sẽ làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để xem nhà máy này có thể cung cấp được bao nhiêu theo từng tháng quý III. Phần thiếu hụt Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động nhập khẩu để bù đắp.
Hiện, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cơ bản khởi động trở lại, nhưng việc đảm bảo cung ứng trong quý II, nhất là tháng 5 và 6 chưa rõ ràng.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh giá xăng ngày 21/3, mỗi lít xăng RON 95 giảm 630 đồng, còn xăng E5 RON 92 giảm 650 đồng. Sau giảm, giá xăng RON 95 vẫn là 29.192 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít, dầu diesel 23.630 đồng/lít, dầu hỏa 22.240 đồng/lít, dầu mazut 20.420 đồng/kg.