Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ diễn ra thế nào vì ảnh hưởng của dịch Covid-19?
Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung.
Kỳ họp trực tuyến của Quốc hội sẽ kéo dài bao lâu?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội thông báo về kỳ họp thứ 9.
Theo đó, trong thời gian qua, mặc dù có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã rất cố gắng trong chuẩn bị các nội dung cũng như các điều kiện bảo đảm của kỳ họp thứ 9.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị, tổ chức, tiến hành kỳ họp trong điều kiện hiện nay cần được cân nhắc kỹ.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức khọp thứ 9 theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại nhà Quốc hội.
Kỳ họp dự kiến khai mạc trong khoảng 20 - 25/5 và chia thành hai đợt.
Đợt 1 họp trực tuyến (dự kiến trong khoảng 5 - 7 ngày) qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố.
Đại biểu QH ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu công tác tại Hà Nội (dự kiến khoảng 165 người) tham gia tại Hội trường Nhà Quốc hội và sẽ bố trí khoảng cách ngồi phù hợp để bảo đảm yêu cầu của phòng, chống dịch.
Việc thực hiện họp trực tuyến vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về kỳ họp Quốc hội.
Về thực tiễn đã có nhiều hội nghị trực tuyến được tổ chức từ trụ sở Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Thực tế cho thấy chất lượng truyền hình ảnh, âm thanh khá tốt, có thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ họp Quốc hội.
Các ĐBQH trong một kỳ họp.
Văn phòng QH đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng hệ thống trực tuyến, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nâng cấp phần mềm biểu quyết được cài đặt trên thiết bị di động của đại biểu QH.
Các nội dung chính của 2 đợt họp của kỳ họp thứ 9 là gì?
Nội dung của đợt 1 là họp trù bị, khai mạc kỳ họp; những nội dung không mật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng (như các dự án luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8...); xem xét, quyết định một số vấn đề cấp thiết, như Hiệp định EVFTA hoặc một số chính sách, giải pháp liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh…
Thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu theo quy định hiện hành. Đại biểu tại 63 điểm cầu ở địa phương đăng ký phát biểu qua đường dây nóng, bảo đảm các cuộc gọi đăng ký được thông suốt, không bị nghẽn mạng, kịp thời chuyển đến Chủ tọa điều hành.
Việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp tại phiên trù bị được thực hiện bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động).
Trường hợp có những nội dung cấp thiết cần Quốc hội sớm quyết định có thể áp dụng một trong hai hình thức biểu quyết theo quy định: bằng hệ thống điện tử (qua ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động); bỏ phiếu kín (ghi phiếu và gửi về UB TVQH).
Đợt 2, sau khi công bố kết thúc dịch, sẽ mời ĐBQH về họp tập trung trong khoảng 7 đến 10 ngày để xem xét các nội dung mật, biểu quyết thông qua luật, nghị quyết; bế mạc kỳ họp,...
Tổng Thư ký QH cho biết, tại phiên họp thứ 44 (dự kiến khai mạc ngày 20/4/2020), Ủy ban TVQH sẽ xem xét tổng thể công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp để quyết định triệu tập kỳ họp và gửi xin ý kiến ĐBQH về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9.
Uỷ ban TVQH cũng đề nghị các Đoàn ĐBQH và UB MTTQ VN các tỉnh, thành phố phối hợp, có cách thức phù hợp để ĐBQH tiếp xúc cử tri, vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế ở địa phương; kiến nghị, đề xuất phương án để báo cáo UB TVQH.
Tổ Quốc