Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 và những điều thí sinh cần phải LƯU Ý
Có 20 trường đại học sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để xét tuyển, nên đây là kỳ thi được nhiều sĩ tử quan tâm nhất hiện nay.
- 01-06-2022"Nàng thơ" đa tài mới của tỷ phú Elon Musk: Biết diễn xuất thôi chưa đủ, từng học ở trường nghệ thuật danh giá, được học bổng nhờ tài năng này
- 29-05-202210 thực phẩm thơm ngon lại tốt cho tim mạch: Nhiều món còn giúp phòng ngừa ung thư, một công đôi việc, tiện lúc nào ăn lúc đó
- 28-05-2022Mẹo đơn giản nhận biết chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ 8 tiếng thì ai cũng biết, nhưng chất lượng ra sao thì không chắc
Là kỳ thi rất HOT đang được nhiều trường đại học và báo chí nhắc nhiều nhất trong thời gian gần đây - kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày càng chứng minh được chất lượng của mình. Sẽ là một thiếu sót lớn với những thí sinh xét tuyển vào đại học, nhất là xét tuyển vào các trường khối kỹ thuật khi không biết về kỳ thi này.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
1. Kỳ thi đánh giá tư duy là gì?
Được tổ chức bắt đầu từ năm 2020, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được sử dụng làm tiêu chí đánh giá và tuyển chọn sinh viên có đủ kiến thức, tư duy vào trường. Bài thi là sự tiếp cận với những phương pháp của các nước phát triển trên thế giới, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển sinh của trường bằng cách đánh giá năng lực tư duy tổng thể của thí sinh. Đồng thời cũng là bước chuẩn bị để nhà trường bắt đầu tự chủ trong việc tuyển sinh của hiện tại và các năm sau này.
Ảnh minh họa
Bài thi đánh giá tư duy được cấu trúc dựa trên việc đánh giá các khả năng của thí sinh:
Vận dụng kiến thức môn Toán ở cấp THPT để giải quyết các vấn đề thực tế;
Vận dụng các kiến thức Lý, Hóa, Sinh để đánh giá sự hiểu biết về Khoa học tự nhiên của thí sinh;
Đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh;
Đánh giá năng lực đọc – hiểu về khoa học kỹ thuật của thí sinh.
Năm nay, kỳ thi được mở rộng về quy mô, phạm vi và số trường sử dụng kết quả để xét tuyển. Ngoài khối ngành kỹ thuật thì nhiều trường khối kinh tế đã bắt đầu sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy này.
Kỳ thi hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt, nên các câu hỏi trong bài thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Với phương thức này, những ngành nổi trội sẽ dễ dàng lựa chọn được sinh viên xuất sắc, đáp ứng tính khắt khe trong tuyển chọn.
Việc tham gia kỳ thi đánh giá tư duy cũng là một cơ hội nữa cho các thí sinh năm nay xét tuyển vào trường đại học yêu thích, bên cạnh phương thức truyền thống xét tuyển bằng điểm thi THPT.
2. Đề thi đánh giá tư duy:
Về cấu trúc bài thi: Bài thi gồm 2 phần (Phần bắt buộc và Phần tự chọn) trong 270 phút.
Phần bắt buộc:
Toán (90 phút): Tự luận 2 bài (05 điểm); trắc nghiệm khách quan 25 câu (10 điểm)
Đọc hiểu: 35 câu trắc nghiệm (05 điểm).
Phần tự chọn:
Tự chọn 1: Khoa học tự nhiên (90 phút): 45 câu trắc nghiệm (10 điểm) nội dung kiến thức trong chương trình THPT, gồm Lý – Hóa – Sinh .
Tự chọn 2: Tiếng Anh (có thể thi chiều – 60p): 50 câu trắc nghiệm (07 điểm) và 01 bài viết (03 điểm)
Khi dự thi, thí sinh có thể chọn 3 tổ hợp thi và xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường hoặc những trường có sử dụng điểm của kỳ thi này.
Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi KHTN hoặc Tiếng Anh, hoặc cả hai.
Năm nay là năm cuối cùng kỳ thi được thực hiện trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi trung học phổ thông. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh. Kể từ năm 2023 các thí sinh sẽ hoàn toàn thực hiện trên máy tính và kỳ thi sẽ được tổ chức nhiều lần trong năm
Theo kết quả ghi nhận trên hệ thống, đã có hơn 4.000 thí sinh tham gia phần thi Toán và Đọc hiểu, hơn 3.000 thí sinh tham gia phần thi KHTN (Lý - Hóa - Sinh) và gần 2.400 thí sinh tham gia phần thi Tiếng Anh.
Ảnh minh họa
3. Những điểm mới trong kỳ thi đánh giá tư duy 2022:
Năm nay, Trường ĐHBK Hà Nội dự kiến lấy 60-70% tổng chỉ tiêu (tương đương khoảng 4700-5600 sinh viên) dựa trên kết quả của Bài thi đánh giá tư duy.
Hiện có 20 trường Đại học sẽ sử dụng kết quả bài thi này để thực hiện việc xét tuyển năm học 2022. Gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Mỏ - Địa chất; Trường ĐH Thăng Long; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Xây dựng; Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp; Trường ĐH Phenikaa; Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng – ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Trường ĐH Công nghệ Đông Á; Trường ĐH Kinh tế Nghệ An; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh; Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Á châu; Trường ĐH Hà Nội; Trường ĐH Vinh.
Ảnh minh họa
Theo đó, kỳ thi năm nay được diễn ra trong ngày 15/07/2022, 1 tuần sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh từ nhiều vùng, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận), Hải Phòng (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam), Nghệ An (Trường ĐH Vinh), Tuyên Quang (Trường ĐH Tân Trào) và Đà Nẵng (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng).
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 25/05 và kéo dài đến 17h ngày 15/06 tại địa chỉ tsa.hust.edu.vn/dk.
Hiện nay, 3 kỳ thi riêng tại Việt Nam có kết quả được áp dụng rộng rãi trong xét tuyển ĐH là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tổng hợp
Trí thức trẻ