MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng từ hợp tác kinh tế Việt - Nhật

Kỳ vọng từ hợp tác kinh tế Việt - Nhật

Nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong bối cảnh hợp tác hai bên ngày càng phát triển

Tại hội đàm trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Việt Nam mới đây, hai bên đã thống nhất bản cập nhật tiến độ hợp tác, rà soát việc triển khai các thỏa thuận cấp cao với một số kết quả chính. Trong đó có nội dung hai bên nỗ lực hoàn thành giai đoạn thử nghiệm biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật trên trái nhãn tươi Việt Nam trong tháng 6-2022, hướng tới xuất khẩu sang Nhật vào tháng 9-2022. Phía Nhật cũng ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại trái cây khác như: bưởi, bơ, chôm chôm...

Cơ hội cho nông sản Việt

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết công ty đã xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường Nhật, gồm: sầu riêng tươi, tách múi, cấp đông; mít và nhãn cấp đông; tăng trưởng giá trị xuất khẩu bình quân 15%/năm.

Theo bà Vy, Nhật là thị trường ổn định, uy tín, song điều khó nhất là doanh nghiệp (DN) phải kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn của đối tác nên việc tổ chức vùng nguyên liệu rất quan trọng. "Sắp tới, khi Nhật Bản mở cửa thêm cho trái nhãn tươi, bưởi tươi... của Việt Nam, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này chắc còn lớn hơn" - bà Vy kỳ vọng.

Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) - DN xuất khẩu rau quả chế biến - đặt kế hoạch xuất khẩu 4 triệu USD sản phẩm sang Nhật trong năm nay, tăng 1 triệu USD so với năm 2021. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, nhận xét khách hàng Nhật rất khó tính và cẩn thận; thường mất 1-2 năm tìm hiểu, đàm phán mới đi đến ký kết chính thức.

Tuy nhiên, khi đã tạo được lòng tin với đối tác Nhật thì họ sẽ làm ăn lâu dài, rất ít thay đổi. Ngoài ra, khách hàng Nhật sẵn sàng trả giá cao, tương xứng với chất lượng sản phẩm để DN có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng. "Ngoài sản phẩm chế biến, sắp tới GC Food sẽ xuất khẩu thêm một số loại trái cây cấp đông như sầu riêng, bơ, xoài. Đây đều là những mặt hàng mà khách Nhật có nhu cầu cao" - ông Thứ cho hay.

Một số DN Nhật, chẳng hạn Tập đoàn AEON, đã nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Việt Nam. Hằng năm, tập đoàn này đều phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON ở Nhật nhằm giới thiệu hàng hóa, sản phẩm Việt tại siêu thị lẫn kênh bán hàng online của AEON trên khắp nước Nhật. Qua các kỳ tổ chức, chương trình đến nay đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho hơn 100 lượt DN của 21 tỉnh, thành của Việt Nam.

Gần đây nhất, Tuần hàng Việt tại hệ thống siêu thị AEON năm 2021 đã quảng bá xoài đông lạnh, trái vải và chuối tươi của Việt Nam; hướng đến mục tiêu tăng mạnh lượng nhập khẩu chuối vào thị trường Nhật. Kế hoạch của AEON là đến năm 2025 sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt sang Nhật lên 1 tỉ USD (khoảng 110 tỉ yen), gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu rau quả đứng thứ 4 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm với kim ngạch gần 35,7 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đặc biệt giữa bối cảnh xuất khẩu toàn ngành rau quả trong thời gian này giảm 12%.

Thị trường lâu năm

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm 7% so với năm trước. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn là thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam trong năm qua, với kim ngạch 1,326 tỉ USD. Nhiều năm qua, Việt Nam cũng duy trì vị trí là nhà cung cấp thủy sản số 1 cho Nhật Bản.

Bước sang năm 2022, nhu cầu thị trường Nhật Bản hồi phục khi đại dịch dần được kiểm soát, giúp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trở lại. Riêng xuất khẩu tôm sang Nhật trong quý I/2022 đạt 149 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, ngoài các sản phẩm truyền thống như tôm, các loại hải sản, gần đây Nhật Bản còn nhập khẩu cá tra - một loài cá nước ngọt vốn không phải thị hiếu người Nhật - nhờ cách chế biến mới của các chuyên gia Nhật Bản.

"Nhật Bản là thị trường truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam với bề dày lịch sử giao thương lâu dài. Thị trường Nhật Bản đánh dấu ngành thủy sản Việt Nam vươn ra nước ngoài, sau đó mới mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ, châu Âu… Từ năm 1978, Nhật đã viện trợ cho Việt Nam xây dựng 12 nhà máy đông lạnh trải dài từ tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau; hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, giúp các nhà máy chế biến thủy sản có nền tảng phát triển như ngày nay" - ông Trương Đình Hòe nói.

Công ty TNHH Koyu & Unitek (DN liên doanh vốn Nhật) đã đầu tư nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu tại tỉnh Đồng Nai để xuất khẩu sang thị trường Nhật từ năm 2017. Năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, công nhân của công ty phải tham gia sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn bảo đảm khoảng 200 tấn sản phẩm/tháng. Gần đây, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh hồi phục, mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 240 tấn sản phẩm. "Để xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường Nhật, nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác, thậm chí các cơ quan chức năng của Nhật còn đến tận nhà máy để kiểm tra, đánh giá thực tế" - đại diện công ty cho hay.

Đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính

Theo ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam - quốc tế, từ kinh nghiệm rất nhiều năm làm ăn và kết nối xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật, hàng hóa của Việt Nam rất được lòng người tiêu dùng Nhật. Đặc biệt, ngoài hàng nông sản, các món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì... cũng chiếm được cảm tình của khách Nhật. Nhiều nhà hàng Việt Nam đã có mặt tại các thành phố lớn ở Nhật.

Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho DN Việt. "Trở ngại hiện nay là hầu hết DN xuất khẩu Việt chưa hiểu rõ thị trường và văn hóa tiêu dùng của người Nhật. Ngoài chất lượng sản phẩm thì bao bì cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, song nhiều DN chưa thấu hiểu. DN Việt nên có tầm nhìn xa hơn khi làm việc với đối tác Nhật, đặc biệt cần trung thực, thực thi đúng các cam kết trong hợp đồng" - ông Cường góp ý.

Ông Đinh Vĩnh Cường cho rằng sau sự kiện Thủ tướng Nhật Kishida thăm Việt Nam với nhiều cơ hội mở ra, để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Nhật trong giai đoạn mới, cơ quan quản lý cần tổ chức các lớp, khóa đào tạo để phổ biến, hướng dẫn, nâng cao kiến thức cho DN xuất khẩu. Ngoài ra, ông kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho DN Việt có làm ăn với đối tác Nhật.

Xuất khẩu tại chỗ

Ise Foods là tập đoàn sản xuất trứng gà lớn số 1 Nhật Bản, đứng thứ 5 trên toàn thế giới. Năm 2019, Ise Foods đã tìm đến Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V-Food) để hợp tác sản xuất trứng gà tươi ăn liền nhằm cung cấp cho khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam. Tại các chuỗi cửa hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, trứng tươi cao cấp "made in Vietnam" nhãn hiệu Ise có giá cao hơn 60% so với loại thường.

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc V-Food, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ, thay thế cho hàng nhập khẩu. Trong quá trình hợp tác, một DN thuần Việt như V-Food đã học hỏi được quy trình, công nghệ để nâng cao tiêu chuẩn sản xuất cho nhà máy đến quy trình kiểm soát trang trại. Từ nền tảng này, DN có cơ hội sản xuất thêm những phân khúc trứng theo tiêu chuẩn Nhật Bản vốn rất khắt khe. "Hiện nay, ẩm thực Nhật Bản rất phát triển tại Việt Nam nên phía Nhật cũng cần các nhà cung cấp tại địa phương. Đây là cơ hội cho các DN đã hợp tác sản xuất hàng theo tiêu chuẩn Nhật như chúng tôi" - ông Thiện nhìn nhận.

Chen chân vào chuỗi cung ứng tại Nhật

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Nhật, cho biết Việt Nam đang xuất khẩu sang Nhật đa dạng các mặt hàng, trong đó có cả sản phẩm chế biến, chế tạo. Đáng lưu ý, một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản. Ví dụ, nước dừa, sữa dừa... Việt Nam đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận, hay cà phê Việt Nam được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị bình dân OK tại Tokyo.

Theo Ngọc Ánh - Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên