Kỳ vọng vào sự hồi sinh mãnh liệt sau khi đổi chủ, cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất thuốc test HIV, ma túy, que thử thai… tăng gấp 4 lần
Những động thái mới nhất cho thấy doanh nghiệp đã “đổi ruột” thành một doanh nghiệp khác và có vẻ hoạt động kinh doanh chính sẽ không còn là các sản phẩm test ma túy, HIV… nữa mà là đầu tư xây dựng.
- 21-10-20163 quý liên tiếp không có doanh thu, kế hoạch “lột xác” của MTM có chết yểu?
- 15-09-2016Những thương vụ tỷ đô “lột xác” hàng không Việt
- 08-09-2016ĐHCĐ bất thường FID: “Thay máu” toàn bộ ban lãnh đạo công ty, tập trung phát triển dự án công viên nghĩa trang
2 tháng gần đây, cổ phiếu AMV của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (Amvi Biotech) bỗng nhiên được chú ý khi thanh khoản tăng mạnh so với nửa năm qua, đồng thời giá cổ phiếu cũng nhẹ nhàng tăng gấp đôi.
AMV từng có giai đoạn tăng mạnh như vậy khi từ giá 4.000 đồng lên 8.000 đồng vào tháng 10/2016. Nếu tính từ đó đến nay, AMV đã tăng giá gấp 4 lần.
Điều gì đã tạo nên mức tăng ấn tượng này?
Amvi Biotech được thành lập bởi liên doanh của The Sun Co (100% vốn nước ngoài), Incomex SaiGon (100% vốn nhà nước) và Dopharco (100% vốn nhà nước) với vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, sau đó tăng vốn lên 21 tỷ đồng.
Công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sinh phẩm chẩn đoán Y tế với những sản phẩm khá đặc biệt. Nổi bật là dụng cụ test thử ma túy (bao gồm sản phẩm test 4 loại ma túy thông dụng, ma túy tổng hợp và combo xét nghiệm 5 loại ma túy). Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cung cấp các dụng cụ test chẩn đoán Viêm gan B, sốt xuất huyết, HIV, ung thư… và que thử thai.
Amvi Biotech đã trải qua 5 năm lỗ triền miên và có lãi trở lại vào năm 2016 nhưng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016 vẫn hơn 9 tỷ đồng – gần bằng một nửa vốn điều lệ. Việc doanh nghiệp thay đổi hầu hết bộ máy lãnh đạo, trong đó bà Đặng Nhị Nương thay ông Hà Mộng Bắc giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đồng thời doanh nghiệp có lãi trở lại có thể là nguyên nhân lý giải cho đợt tăng giá hồi tháng 10/2016. Còn hiện tại, thông tin mới nhất về AMV là kỳ vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ.
“Trong năm 2017, công ty đẩy mạnh triển khai các dự án bán hàng và đầu tư liên kết y tế nên HĐQT kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2017 sẽ tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước”. – Nghị quyết HĐQT của AMV nêu.
Theo đó, công ty này đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2017 tăng 17 lần lên 196 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 46 lần lên gần 38 tỷ đồng. Cơ sở để AMV lên kế hoạch táo bạo này là tăng vốn từ 21,2 tỷ đồng lên hơn 271 tỷ đồng thông qua phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cá nhân. 250 tỷ đồng thu được từ việc phát hành sẽ dùng để mua 83,33% cổ phần của CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ. Sau đó, AMV sẽ trở thành công ty mẹ của Việt Mỹ và triển khai đầu tư các dự án xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị bệnh viện.
Các dự án bao gồm DA đầu tư xây dựng nhà nội trú chung – Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê (vốn đầu tư 289 tỷ đồng) và DA đầu tư xây dựng nhà nội trú chung – Bệnh viện Đa khoa huyện Đoan Hùng (vốn đầu tư 266 tỷ đồng). Cả hai dự án đều được dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020.
Đáng chú ý, AMV đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa Amvi Biotech cho CTCP sản xuất Kinh doanh Sinh phẩm chẩn đoán Y tế Việt Mỹ, và thoái hết vốn (73,33%) tại công ty này cho ông Hà Mộng Bắc với giá 6,6 tỷ đồng.
Những động thái này cho thấy AMV đã “đổi ruột” thành một doanh nghiệp khác và có vẻ hoạt động kinh doanh chính sẽ không còn là các sản phẩm test ma túy, HIV… nữa mà là đầu tư xây dựng.
AMV của Ami Biotech là một dạng cổ phiếu tăng nhờ kỳ vọng vào sự hồi sinh sau khi đổi ruột của doanh nghiệp nhưng thực sự vẫn có nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về sự hồi sinh mãnh liệt như kế hoạch, khi lịch sử công ty này lao đao đều do đầu tư dự án mới.
Khi doanh nghiệp đầu tư sai thời điểm
Câu chuyện nổi bật của Amvi Biotech trong lịch sử 15 năm hoạt động là cú ngã ngựa khi sử dụng nợ vay để đầu tư mở rộng đúng giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Nếu như năm 2009, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của AMV chỉ 3% thì bắt đầu từ năm 2010, tỷ lệ này đã tăng vọt lên 19% khi AMV đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất tiêu chuẩn GMP tại khu Công Nghệ Cao TP.HCM và sản xuất thêm những sản phẩm Rapid Tests mới trong ngành. Không may, dự án lại bị trì hoãn do vấn đề về giấy phép xây dựng. Do đó, AMV đã chuyển sang nâng cấp nhà máy tại Bình Phước đạt chuẩn GMP WHO vì HĐQT đánh giá rằng đây là yếu tố lớn nhất khiến công ty không có khả năng đấu thầu tại các bệnh viện trong nước.
Mặc dù dự án lại bị chậm tiến độ nhưng cũng đã kịp đẩy tỷ lệ nợ/tổng tài sản năm này lên đến 53%.
Cùng với việc chi phí lãi vay tăng mạnh thì các chi phí nguyên vật liệu, sự đi xuống của kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh của Trung Quốc cũng đã đẩy AMV vào khó khăn. Năm 2011, doanh nghiệp lần đầu tiên lỗ 2,7 tỷ đồng và kéo dài tình trạng này cho đến tận năm 2015.
Như đã nói, động thái của Amvi Biotech cho thấy doanh nghiệp dường như đã “đổi ruột”, Ban lãnh đạo đã là những người khác và lịch sử có lẽ sẽ không lặp lại. Nhưng với con số kế hoạch lợi nhuận 38 tỷ đồng và mức giá hiện tại thì định giá cho doanh nghiệp đã không còn rẻ trong khi tương lai chưa có gì đảm bảo.
Trí Thức Trẻ