MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại "tha thiết" gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy?

27-03-2019 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Hiện tại, Italy đang là "tâm điểm" của rất nhiều cuộc thảo luận từ EU cho tới Washington, khi trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) với Trung Quốc. Các biểu đồ dưới đây sẽ lý giải tại sao đất nước có dân số lớn thứ 2 châu Âu lại gia nhập tham vọng này.

Nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang là một đối tác thương mại và đầu tư của Trung Quốc, dù nhỏ hơn so với những nước khác ở châu Âu. Tuy nhiên, động thái sẵn sàng gia nhập dự án này cùng tình hình chính trị của Italy tạo điều kiện thúc đẩy họ "bước ra" khỏi danh sách các nước G7 phản đối BRI.

Trong một bài xã luận của tờ Corriere della Sera, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định: "Trung Quốc và Italy là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng." Tuy nhiên, những thương vụ đầu tư cũng như thương mại của Trung Quốc vào nước này lại tương đối ít.

Hôm 23/3 vừa rồi, Italy đã ký kết biên bản ghi nhớ về BRI, chỉ đứng thứ 76 về lượng vốn trong số các dự án mới được Trung Quốc đầu tư trong 10 năm qua. Theo dữ liệu từ FDI Markets, một công ty theo dõi về các khoản đầu tư cơ sở mới (Greenfield Investment) xuyên biên giới, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức cao gấp gần 8 lần so với đầu tư vào Italy.

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại tha thiết gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy? - Ảnh 1.

Đầu tư cơ sở mới của Trung Quốc vào các quốc gia châu Âu từ 2009 đến 2018 (tỷ USD).

Dù những khoản đầu tư đã bao gồm cả các thương vụ M&A và một số hình thức khác, thì Italy vẫn kém xa các quốc gia châu Âu khác về lượng đầu tư của Trung Quốc, theo dữ liệu theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc, được thực hiện bởi American Enterprise Institute. Hơn nữa, Trung Quốc và Ý cũng không phải hai đối tác thương mại có mối quan hệ "khăng khít". Lượng xuất khẩu hàng hoá từ Ý sang Trung Quốc năm ngoái đạt 13 tỷ euro, một con số rất nhỏ so với Đức là 94 tỷ USD. Phần trăm xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc là 6,5, còn Đức là 17%.

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại tha thiết gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy? - Ảnh 2.

Đầu tư và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào châu Âu từ năm 2005 đến 2018 (tỷ USD).

Không những vậy, các tuyến vận chuyển hàng hoá của Ý và Trung Quốc cũng không có liên kết chặt chẽ. Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc cung cấp một chỉ số kết nối vận chuyển song phương, cho thấy Bỉ và Tây Ban Nha thậm chí có mối liên kết gần gũi hơn với Trung Quốc. 

Theo đó, ông Tập đặc biệt đề cập đến việc cải thiện sự qua lại giữa Ý và Trung Quốc, cùng "xây dựng các cảng" nhằm tạo ra "một kỷ nguyên mới của Vành đai và Con đường" trong các lĩnh vực như vận tải hàng hải. Các cảng được nhắc tới đó là Trieste và Genoa nằm ở phía bắc nước Ý.

Phía Ý dường như cũng đồng tình rằng sự quan tâm của Trung Quốc sẽ giúp phát triển thương mại và đầu tư. Theo một khảo sát gần đây được thực hiện bởi EMG Acqua, hầu hết người Ý đều cho rằng các thoả thuận của BRI là "một cơ hội kinh tế tuyệt vời".

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại tha thiết gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy? - Ảnh 3.

Xuất khẩu của các quốc gia châu Âu sang Trung Quốc (%).

Tình hình kinh tế và chính trị của Ý là nguyên nhân châm ngòi cho việc nước này đi ngược lại quan điểm chung với các nước G7 và châu Âu. Các quốc gia này đều giữ quan điểm nghi ngờ về BRI trong bối cảnh lo ngại về sự minh bạch cũng như việc Trung Quốc kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Andrea Colli, giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi, cho biết, xét về thời điểm chính trị thì việc Ý tham gia BRI là "khá phù hợp" bởi "thái độ mơ hồ và quan điểm đối nghịch của họ đối với EU."

Những nguồn vốn mới đổ vào có thể là sự hấp dẫn đối với một nền kinh tế vẫn chưa hồi phục đến giai đoạn tiền khủng hoảng từ hơn 1 thập kỷ trước và thậm chí quá trình này còn bị đình trệ. Đầu tư cơ sở hạ tầng của Ý vẫn là 40%, dưới mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính và một nửa các thành phố đều báo cáo về sự chênh lệch giữa các khoản đầu tư trong 5 năm, trong đó khoảng chênh lệch lớn nhất là về giao thông đô thị.

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại tha thiết gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy? - Ảnh 4.

Kết quả của cuộc khảo sát ý kiến người dân Ý về việc nước này gia nhập BRI.

Dẫu vậy, những thành quả tiềm năng như Ý mong đợi lại không hề chắc chắn.

Andrew Cainey, cộng sự tại Chatham House, cho biết, việc Ý "tiến đến" với Trung Quốc có thể đánh dấu sự khởi đầu của quy mô quốc tế và rộng lớn hơn của BRI, hoặc là sự bành trướng vốn có của Trung Quốc còn mạnh mẽ hơn. Ông nói, các khoản tài trợ của Trung Quốc "có thể hỗ trợ nền kinh tế Ý", "vấn đề này luôn cần được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng, nhưng tốt hơn hết là không nên đưa ra một lời đề xuất nào."

Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại tha thiết gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy? - Ảnh 5.

Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng châu Âu.

Một số ý kiến khác cho rằng những kỳ vọng của Ý có thể đang đặt sai chỗ. Agatha Kratz, một giám đốc tại Rhodium Group, cho biết: "Đến cuối cùng, những thoả thuận chính trị như thế phần nào cũng không mang lại hiệu quả cao. Tôi băn khoăn rằng cần có bao nhiêu biên bản ghi nhớ để có thể thu hút các khoản FDI vào Ý, để vượt qua mức hiện tại."

Hương Giang

FT

Trở lên trên