Là người nghèo, người cao tuổi ở TP HCM thì được hưởng chính sách gì?
Người cao tuổi trên địa bàn TP HCM tròn 100 tuổi sẽ được tặng tiền, vàng, lụa; còn người nghèo được tăng số tiền, thời gian được vay.
HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa thông qua một loạt chính sách dành cho người nghèo, người cao tuổi .
Người nghèo được vay đến 100 triệu đồng trong 10 năm
HĐND TP vừa thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho vay ưu đãi và nguồn vốn cho vay trong Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2019-2020.
Theo đó, TP tăng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, không phải đảm bảo tiền vay, tăng thời hạn cho vay từ 5 năm lên 10 năm (60 tháng lên 120 tháng).
Trước đây, theo Quyết định số 3582/2016 của UBND TP, quy định về mức vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo là 50 triệu đồng với thời gian vay tối đa là 5 năm (60 tháng).
Việc tăng mức vay, theo HĐND TP, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho vay ưu đãi từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo, để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng thiếu vốn làm ăn, đảm bảo các hộ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Riêng với những hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo được UBND cấp xã xác nhận và có thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm (36 tháng) được tiếp tục hỗ trợ chính sách vay vốn; thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ nhưng không quá 5 năm (60 tháng).
Chính sách này nhằm hỗ trợ hộ mới thoát chuẩn cận nghèo tiếp tục tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ổn định sản xuất kinh doanh dịch vụ góp phần giảm nghèo bền vững và tránh nguy cơ tái nghèo. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi thụ hưởng chính sách của người nghèo TP ngang bằng chính sách hỗ trợ của Trung ương.
Nghị quyết cũng nâng mức cho vay tối đa theo giá trị hợp đồng đối với thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, mức vốn thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo được vay tối đa là 100 triệu đồng không phải thế chấp tài sản (vay 50 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo và 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm), nếu vay mức vốn cao hơn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm phải có tài sản thế chấp.
Trên thực tế, tổng chi phí mà người lao động phải chuẩn bị để đi lao động nước ngoài theo hợp đồng tại một số nước cao hơn 100 triệu đồng (ví dụ thị trường Nhật Bản khoảng 130 - 140 triệu đồng), trong khi tài sản thế chấp đối với người nghèo rất khó khăn.
Vì vậy, cần nâng mức cho vay đối với thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn về vốn cho hộ.
Điều này nhằm tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người nghèo có nhu cầu đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, ổn định việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Người 100 tuổi được tặng lụa, tiền, khánh vàng
Theo nghị quyết của HĐND TP vừa ban hành, người cao tuổi trên địa bàn tròn 100 tuổi sẽ được mừng thọ với quà tặng gồm: 1 triệu đồng, 5m lụa (trị giá 500.000 đồng), khánh vàng theo định mức khối lượng là 0,08 chỉ vàng 24K/cái, tiền gia công chế tác chữ, in hình trên khánh và tiền khung chi theo thực tế quyết toán.
Người cao tuổi 90 tuổi, 95 tuổi và trên 100 tuổi nhận quà tặng trị giá 1 triệu đồng. Ở độ tuổi thấp hơn, vào dịp mừng thọ tuổi 80 và 85, người cao tuổi nhận được món quà 800.000 đồng, người 70 và 75 tuổi thì nhận được quà 500.000 đồng.
Người cao tuổi là công dân Việt Nam ở các độ tuổi xác định là 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi đang cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố.
Nguồn kinh phí chúc thọ và tặng quà người cao tuổi được lấy từ dự toán chi thường xuyên hằng năm của Sở Lao động - Thương binh và xã hội và UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn.
Người lao động