Lạc vào thế giới khoa học viễn tưởng bên trong bảo tàng nổi khổng lồ ở Trung Quốc
Bảo tàng Khoa học viễn tưởng Thành Đô được xây dựng chưa đến 1 năm nhưng từng đường nét kiến trúc đều độc đáo và khiến mọi người ấn tượng bởi không gian siêu lạ.
- 17-09-2023Cháy bảo tàng Quốc gia Indonesia, nhiều báu vật có nguy cơ mất vĩnh viễn
- 28-03-2023Pháp: Người biểu tình chặn lối vào Bảo tàng Louvre
- 18-02-2022Xuất hiện bảo tàng mặt trăng độc đáo ở Dubai, nơi con người có thể nhìn thấy thế giới năm 2071
Với gần 60.000 mét vuông, Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng Thành Đô mới nằm bên hồ Jingrong trong Thành phố Khoa học và Đổi mới của quận Pidu thuộc thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc.
Tích hợp với cảnh quan thiên nhiên dọc theo bờ hồ, thiết kế của bảo tàng xác định các nút hoạt động được kết nối bằng các tuyến đường dành cho người đi bộ kéo dài từ thành phố và ga tàu điện ngầm liền kề qua khu công viên xung quanh vào trung tâm tòa nhà. Chính vì thế đã tạo ra một hành trình khám phá đan xen giữa các quảng trường trong nhà và ngoài trời ở nhiều cấp độ để liên kết các phòng, trưng bày triển lãm, cơ sở giáo dục, quán cà phê và các tiện nghi khác của bảo tàng.
Nhìn từ trên cao, bảo tàng giống như ngôi sao kim loại bảy cánh nổi trên mặt thủy tinh của hồ, gợi nhớ đến một nền văn minh xa xôi trong tương lai hoặc một con tàu vũ trụ chạm vào một hành tinh xa lạ. Nó trông giống như một cái gì đó bước ra từ khoa học viễn tưởng.
Nhìn từ một phía, phần mái bảo tàng mô phỏng những ngọn núi dốc phía xa, những mái vòm đúc hẫng của nó lơ lửng trên những tấm kính liền mạch. "Từ mọi góc độ, bảo tàng luôn khác biệt, hoặc trông thật khác thường và nhiều bất ngờ", Paulo Flores, một trong những giám đốc dự án tại Zaha Hadid Architects, đơn vị thiết kế bảo tàng cho biết.
Có lẽ điều bất ngờ hơn chính là thời gian xây dựng công trình này. Bảo tàng được đưa vào hoạt động từ năm 2022 để tổ chức Hội nghị khoa học viễn tưởng thế giới thường niên. Flores cho biết, một tòa nhà có quy mô và độ phức tạp như thế này thường sẽ mất từ 4 đến 5 năm để xây dựng. Nhưng tòa nhà rộng 59.000 mét vuông - gấp ba lần diện tích của Nhà hát Opera Sydney - từ ý tưởng thiết kế đến xây dựng chỉ kéo dài trong 12 tháng.
Đối với Flores và nhóm thiết kế, đây thực sự là nhiệm vụ trong mơ. "Khoa học viễn tưởng luôn là nguồn cảm hứng rất quan trọng cho các thiết kế của chúng tôi. Chúng tôi muốn trở thành một phần của phong trào tạo ra tương lai - không chỉ về mặt hình ảnh mà còn về mặt công nghệ", Flores cho biết.
Thiết kế kỹ thuật số táo bạo
Công ty kiến trúc Zaha Hadid có trụ sở tại London không còn xa lạ với công nghệ. Công ty đã tiên phong trong việc thiết kế kỹ thuật số và tạo ra những tòa nhà năng động tương lai.
Flores giải thích: "Chúng tôi chỉ có thể tạo ra những loại hình học này bằng phần mềm mô hình đa giác. Phần mềm này tạo ra mô phỏng ba chiều của tòa nhà".
Với dự án này, công nghệ không chỉ là chìa khóa để tạo ra một thiết kế đầy tham vọng mà còn giúp thực hiện nó một cách nhanh chóng. Chỉ hai tuần sau khi công ty giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu, việc xây dựng dự án đã bắt đầu.
Bằng cách sử dụng nhiều phần mềm thiết kế, bao gồm cả phân tích mô hình kỹ thuật số, nhóm đã có thể đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo rằng tất cả mọi người, từ kiến trúc sư, nhà sản xuất vật liệu đến công nhân xây dựng, đều đồng tình.
Satoshi Ohashi, một giám đốc dự án khác, nói rằng việc xây dựng và thiết kế diễn ra song song “không thể thực hiện được nếu không có những công cụ mới này”.
Ohashi nói thêm rằng phân tích mô hình kỹ thuật số cho phép nhóm tối ưu hóa cấu trúc của tòa nhà phù hợp với khí hậu của Thành Đô. Bằng cách phân tích các thông số thời tiết và môi trường, phần mềm đưa ra các quyết định về kích thước và góc nhô ra của mái nhà để bảo vệ nội thất khỏi ánh nắng trực tiếp.
Công nghệ xanh cũng được tích hợp để giảm thiểu tác động khi vận hành của tòa nhà, với các tấm pin mặt trời được gắn vào mái nhà mở rộng để cung cấp năng lượng cho tòa nhà, cửa sổ trần và cửa sổ kính trong suốt từ trần đến sàn để giảm nhu cầu ánh sáng nhân tạo vào ban ngày.
Nhóm cũng phải tìm nguồn nguyên liệu tại địa phương để tiết kiệm thời gian và nghĩ ra những cách đơn giản để biến ý tưởng của họ thành hiện thực. Ví dụ, họ đã tạo ra một hệ thống bảng nhôm mô-đun nằm dưới lớp vỏ của mái nhà, tạo ra những đường cong mượt mà và liền mạch, đồng thời giúp xây dựng công trình nhanh chóng, Ohashi cho biết.
Thành phố tương lai
Vốn là nơi sinh sống của hơn 20 triệu cư dân và ngày càng phát triển, Thành Đô đã nhanh chóng mở rộng trong vài thập kỷ qua. Đầu năm nay, thành phố này đứng đầu danh sách thành phố mới đứng đầu của Trung Quốc. Xếp hạng đô thị này dựa trên các yếu tố như lối sống của người dân, cơ hội thương mại và giao thông.
Bảo tàng Khoa học Viễn tưởng là một phần của dự án phát triển “Thành phố tương lai” lớn hơn ở quận Pidu, bên ngoài thành phố. Được biết đến là Thành phố Khoa học và Công nghệ Tương lai Thành Đô, địa điểm rộng 4,6 km vuông sẽ có nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm và văn phòng mới.
Ohashi giải thích: “Một phần của sự tăng trưởng đó còn là sự quan tâm đến tương lai, khoa học và công nghệ, tích hợp những điều đó vào thành phố và phát triển nền kinh tế đó".
Thành Đô là trung tâm của ngành công nghiệp khoa học viễn tưởng trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả sản xuất và phát hành phim. Đây cũng là nơi ra đời của Science Fiction World, một trong những tạp chí khoa học viễn tưởng được đọc nhiều nhất trên thế giới, được thành lập tại thành phố vào năm 1979.
Bảo tàng đã mở cửa theo lịch trình để tổ chức sự kiện khai mạc - lần đầu tiên Worldcon được tổ chức tại Trung Quốc và lần thứ hai ở Châu Á. Dave McCarty, Phó chủ tịch của Chengdu Worldcon và là nhà tổ chức sự kiện này trong hai thập kỷ, đã mô tả bảo tàng là "cơ sở vật chất tốt nhất cho đến nay mà Worldcon từng được tổ chức". Ông Dave McCarty cho biết việc tổ chức sự kiện tại địa điểm này đã giúp sự kiện đặc biệt hơn nhiều so với những lần trước đây.
McCarty nói thêm: "Việc có không gian dành riêng sẽ tạo nên một ngôi nhà tuyệt vời cho khoa học viễn tưởng".
Với việc đấu thầu thành công để đăng cai Worldcon lần thứ 81, Ohashi hy vọng rằng bảo tàng và không gian tổ chức sự kiện mới có thể trở thành một địa danh mang tính biểu tượng đại diện cho ngành khoa học viễn tưởng và sẽ nuôi dưỡng tham vọng của “thành phố tương lai” đang phát triển.
“Bây giờ, có thể nói rằng Trung Quốc là thủ đô của khoa học viễn tưởng", Ohashi tự hào.
Báo tin tức