MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại nhập khẩu thêm đường ngoài cam kết WTO

10-06-2016 - 16:51 PM | Thị trường

Những năm qua, Việt Nam vẫn phải NK đường theo hạn ngạch thuế quan cam kết với WTO. Nhưng năm nay, ngoài hạn ngạch nói trên, nước ta sẽ phải NK thêm một lượng đường khá lớn.

Trong tháng 5 vừa rồi, giá đường đã tăng thêm khá nhiều. Đến ngày 30/5 tại Hà Nội, giá bán buôn đường kính trắng từ 16.500-17.000 đ/kg, đường tinh luyện 17.000-18.200 đ/kg; tại miền Trung giá bán buôn đường kính trắng 16.700-16.800 đ/kg; tại TP HCM giá bán buôn đường kính trắng 16.400-16.800 đ/kg, đường tinh luyện 17.500-18.100 đ/kg.

Những ngày đầu tháng 6, giá bán buôn đường kính trắng có giảm (Hà Nội còn 16.000-16.600 đ/kg, Miền Trung 15.900-16.600 đ/kg, TP HCM 16.000-16.300 đ/kg), nhưng giá bán buôn đường tinh luyện vẫn giữ ở mức như cuối tháng 5. Nhìn chung hiện nay, giá đường đều đang ở mức cao hơn nhiều so với đầu năm nay.

Sản lượng đường sản xuất trong nước giảm khoảng 200.000 tấn vì ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn, cộng với hiện tượng “găm” hàng của một số công ty thương mại, nhà máy, là những nguyên nhân chính khiến giá đường tăng cao. Chính vì vậy, để bình ổn, các Bộ ngành liên quan vừa thống nhất trình Chính phủ cho phép NK thêm đường ngoài lượng NK theo cam kết WTO.

Cụ thế, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vừa qua Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu để đánh giá thực tế tình hình sản xuất và nhu cầu.

Sau khi thống nhất ý kiến, Bộ Công thương đã có báo cáo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu thêm 200.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan ngoài lượng nhập khẩu theo cam kết là 85.000 tấn.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, mục đích chính của đề xuất NK 200.000 tấn đường là nhằm làm giảm cơn sốt giá đường ở trong nước.

Bởi khi có thông tin Chính phủ sẽ cho NK thêm một khối lượng đường như vậy, chắc chắn những đơn vị hiện đang “găm” đường sẽ không còn dám giữ hàng tiếp như trước nữa vì sợ khi đường NK về sẽ khó bán được.

Do đó, họ buộc phải đẩy đường ra ngoài thị trường, qua đó góp phần làm hạ nhiệt cơn sốt giá đường. Vì thế, cơ cấu đường NK sẽ gồm 50% là đường thô nhập về để tinh luyện trong nước, 50% còn lại là đường thành phẩm có thể sử dụng được ngay.

Còn về sự thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu nội địa? Đúng là năm nay sản lượng đường trong nước bị giảm mạnh, nhưng nguồn cung đường có đáp ứng được đủ nhu cầu hay không thì vẫn khó nói chính xác.

Bởi ngoài lượng đường tự sản xuất, đường NK theo cam kết WTO và đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào được phép nhập về Việt Nam, còn có sự tham gia thị trường của đường nhập lậu. Mà đường nhập lậu thì không thể thống kê được.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN, cho biết, nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất nói trên, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, nước ta mới lại NK thêm đường ngoài lượng nhập theo cam kết với WTO.

Trước đây, khi sản lượng đường trong nước chưa đạt 1 triệu tấn, hàng năm, nước ta vẫn phải NK thêm khá nhiều đường. Nhưng từ niên vụ 2009/2010 đến nay, khi sản lượng đường luôn đạt trên 1 triệu tấn/năm, gần như chỉ còn phải NK theo hạn ngạch thuế quan.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/6, Thủ tướng đã đồng ý trước mắt cho NK 100.000 tấn đường. Còn theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến ngày 3/6, thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong kho của các nhà máy còn tồn 333.614 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 18.063 tấn.

Trong những tháng mùa nóng, lượng đường tiêu thụ bình quân khoảng 160.000 tấn/tháng. Như vậy, lượng đường còn tồn kho, cộng với đường NK theo hạn ngạch (85.000 tấn) và đường đã được cho phép NK thêm là 100.000 tấn, thì trong những tháng tới vẫn đảm bảo được nguồn cung đường cho thị trường nội địa.

Theo Hoàng Sơn - TS - TR- TH

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên