Lãi suất đã tăng rất mạnh mà nền kinh tế vẫn khởi sắc: Nghịch lý khiến các NHTW lo sợ, dự báo kịch bản đau đớn hơn cả 'hạ cánh cứng'
Tăng trưởng nhanh hơn là điều tốt, nhưng đối với các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực từng ngày để tạo ra 1 sự giảm tốc được kiểm soát tốt, đó lại là 1 nỗi đau đầu lớn.
- 08-03-2023Một chỉ báo suy thoái gióng hồi chuông lớn chưa từng thấy khi Chủ tịch Fed phát tín hiệu tăng lãi suất
- 08-03-2023Bloomberg: Nhiều khả năng Fed tăng lãi suất lên đến 6%, niềm hi vọng của châu Á vừa le lói đã bị dập tắt
- 07-03-2023Chủ tịch Fed cảnh báo NHTW sẽ tiếp tục tăng lãi suất, lộ trình thắt chặt chính sách 'còn lâu mới kết thúc'
Hiện nay trên toàn cầu, các NHTW đang đồng loạt thực hiện chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong vòng 40 năm. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo việc này sẽ giáng 1 đòn mạnh lên kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, những dự báo vẫn chưa trở thành hiện thực. Dường như nền kinh tế đang cố gắng rũ bỏ những tác động từ lãi suất tăng. Không chỉ lạm phát vẫn giữ ở mức cao một cách ngang bướng mà các hoạt động kinh tế cũng đang tăng tốc.
Tăng trưởng nhanh hơn là điều tốt, nhưng đối với các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực từng ngày để tạo ra 1 sự giảm tốc được kiểm soát tốt, đó lại là 1 nỗi đau đầu lớn. Và điều đó cũng có nghĩa là khi nếu 1 cuộc suy thoái thực sự xảy ra, hậu quả sẽ khá tàn khốc.
Theo kết quả khảo sát, ở thời điểm cuối năm ngoái, cả ngành sản xuất và dịch vụ đều sụt giảm mạnh trên toàn thế giới. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành sản xuất đang đi ngang còn dịch vụ hồi phục khá mạnh mẽ.
Ở eurozone, chỉ số lạm phát lõi (không tính đến thực phẩm và năng lượng) phá kỷ lục trong tháng 2. Giá cả tăng nhanh nhưng lương cũng tăng rất nhanh, kể cả ở những nơi lâu nay vẫn nổi tiếng là trì trệ. Điển hình như Nhật Bản, nơi đang chuẩn bị cho 1 đợt tăng lương hậu hĩnh trên diện rộng ngay trong mùa xuân này. Nguyên nhân là do thị trường lao động đang ở trong trạng thái siêu sôi động. Tại một nửa quốc gia thuộc OCED, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp kỷ lục.
Từ cổ phiếu đến trái phiếu, thị trường tài chính đang ở mức định giá phản ánh nhận định lạc quan của nhà đầu tư. Cách đây không lâu họ vẫn tranh luận kinh tế toàn cầu sẽ “hạ cánh cứng” và rơi suy thoái hay có thể “hạ cánh mềm” tức kiểm soát được lạm phát mà không suy thoái. Nhưng hiện tại thậm chí câu hỏi đặt ra là kinh tế toàn cầu có hạ cánh hay sẽ tiếp tục “bay cao”.
Có một số nguyên nhân lý giải cho tình trạng hiện nay. Cuối năm 2022, thị trường tài chính toàn cầu đã có 1 đợt bùng nổ dù quy mô nhỏ và chủ yếu là do tâm lý đám đông. Việc Trung Quốc mở cửa là chất xúc tác lớn cho nhiều nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Giá năng lượng hạ nhiệt giúp giảm bớt gánh nặng cho kinh tế châu Âu.
Tuy nhiên, trên tất cả, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở hầu hết các nền tế lớn đang ở trong trạng thái khỏe mạnh về tài chính. Nhiều hộ gia đình vẫn dồi dào tiền mặt vì tiết kiệm được nhiều trong đại dịch. Không ít doanh nghiệp chưa bị tác động bởi lãi suất tăng vì các hợp đồng dài hạn đã ký được chốt lãi suất cố định ở mức thấp. Chỉ có những ngành nhạy cảm nhất lãi suất (như bất động sản) mới cảm nhận rõ rệt nhất tác động từ làn sóng tăng lãi suất.
Thực trạng hiện nay khiến nguy cơ suy thoái bị lu mờ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa các NHTW sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất nếu muốn đưa lạm phát về sát mục tiêu đã đề ra. Hôm qua (8/3), những phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn, thị trường chứng khoán từ Mỹ đến Âu, Á đồng loạt lao dốc.
Các nhà hoạch định chính sách đang đứng trước 2 bài toán siêu hóc búa. Thứ nhất, họ phải đánh giá những tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ mà đến nay vẫn chưa bộc lộ đầy đủ. Các chuyên gia kinh tế thường xuyên nói về độ trễ của lãi suất, nhưng một số nhận định ngày nay độ trễ có thể rút ngắn hơn so với trước đây. Và nếu như đợt thắt chặt năm ngoái đã phát huy hết tác dụng thì năm nay chính sách cần siết chặt hơn đáng kể.
Chuyện còn lại cần đánh giá là liệu những nhân tố đã bảo vệ nền kinh tế trước lãi suất tăng có thể tồn tại bao lâu. Cuối cùng thì người tiêu dùng cũng sẽ hết tiền tiết kiệm và doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao. Ở những nước như Thụy Điển, nơi lãi suất tăng nhanh chóng tác động đến các hộ gia đình, đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn đầu tiên.
Có 1 điều rõ ràng: con đường lý tưởng nhất sẽ là lạm phát giảm mạnh mà tăng trưởng kinh tế chỉ nhẹ, nhưng xác suất xảy ra điều đó thậm chí đã giảm xuống so với 1 năm trước. Thay vào đó, các NHTW chỉ còn 2 lựa chọn: chấp nhận lạm phát cao hơn hoặc bước vào năm thứ hai “siết chặt dây phanh”.
Tham khảo The Economist
Nhịp sống thị trường