MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiết kiệm ngày 10/12: Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất, đâu là nguyên nhân?

10-12-2024 - 10:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngay đầu tháng 12, một loạt nhà băng đã tăng thông lãi suất tiết kiệm, bao gồm cả những ngân hàng lớn.

Lãi suất tiết kiệm ngày 10/12: Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất, đâu là nguyên nhân?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố bảng lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh tăng 0,1%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng.

Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất cho kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4%/năm, 2 tháng là 4,1%/năm, và 3-4 tháng đạt 4,2%/năm. Đáng chú ý, kỳ hạn 5 tháng có lãi suất 4,6%/năm, dẫn đầu thị trường.

Lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 6-11 tháng tại OCB hiện đã tăng lên 5,2%/năm, 12-15 tháng là 5,3%/năm, 18 tháng là 5,5%/năm, 21 tháng là 5,6%/năm, 24 tháng là 5,7%/năm và mức cao nhất 5,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Cùng với OCB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn từ 1-11 tháng.

Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất của VIB, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng được hưởng lãi suất 3,8%/năm, tăng 0,2%/năm so với trước đó; kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,9%/năm, và kỳ hạn 6-11 tháng tăng lên 4,9%/năm.

VIB giữ nguyên lãi suất cho các kỳ hạn từ 15-18 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng ở mức 5,4%/năm.

ABBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động tiền gửi mới với việc tăng ở nhiều kỳ hạn. Với hình thức gửi tiền trực tuyến, ABBank tăng lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng thêm 0,25%/năm, từ 4,2%/năm lên 4,45%/năm.

Lãi suất tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 6-11 tháng được ABBank tăng 0,2%/năm, lên mức mới là 5,8%/năm. Có mức tăng tương tự, lãi suất ngân hàng trực tuyến dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn còn lại được giữ nguyên ở mức 5,7%/năm.

Trướ OCB, VIB và ABBank, một loạt ngân hàng cũng đã tăng lãi suất huy động ngay đầu tháng 12.

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) đã tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1 – 5 tháng. C

Một ngân hàng thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt khác là GPBank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm điện tử dành cho khách hàng cá nhân từ ngày 3/12. Theo đó, ngân hàng đã tăng đồng loạt 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 – 36 tháng.

Không chỉ những ngân hàng nhỏ và ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng lớn cũng tham gia cuộc đua lãi suất huy động trong tháng 12.

Từ ngày 3/12, VPBank đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2 điểm % lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Techcombank cũng nâng thêm 0,1 điểm % cho kỳ hạn từ 1-5 tháng so biểu lãi suất áp dụng trong tháng 11.

Thống kê từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 9 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB.

Trước đó, đã có khoảng 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 11 với một số ngân hàng đã có 2 - 3 lần điều chỉnh tăng.

Những diễn biến mới xuất hiện trong giai đoạn cao điểm tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm và thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu thắt chặt hơn. Theo số liệu từ NHNN, tính đến 29/11, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 11,9% và tiếp tục tăng lên 12,5% vào ngày 7/12, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, việc tỷ giá USD tại các ngân hàng liên tục niêm yết sát, thậm chí kịch trần suốt hơn 1 tháng qua khiến NHNN phải áp dụng đồng thời các công cụ để ổn định thị trường. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng xu hướng tăng này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới tuổi năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2024 ở mức 4,55%, gần bằng cuối năm 2023 và cao gấp đôi so với 2% của năm 2022. Yếu tố này góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Các chuyên viên phân tích cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.

MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,2 điểm %, dao động quanh mức 5,1% - 5,2%/năm vào cuối năm 2024.

Mạnh Đức

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên