Lại thêm một doanh nghiệp xin mở hãng bay: Cục Hàng không nói gì?
Sau Vinpearl Air và Vietravel Airlines, thì mới đây Công ty Thiên Minh đang xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air). Dù đưa ra quan điểm có thêm hãng hàng không sẽ giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, song Cục Hàng không Việt Nam cũng không quên đưa ra những khuyến cáo quan trọng với dự án hàng không Cánh Diều.
- 01-10-2019Hàng không Cánh Diều khai thác 30 tàu bay vào năm 2025 có quá nhiều?
- 01-10-2019Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, công ty hậu cần hàng không "đau đầu" giải bài toán vận chuyển
- 29-09-2019Rà soát GDP, thêm hàng triệu tỉ đồng không quan sát được
Cần xem xét lại tính hiệu quả
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT mới đây về việc thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nêu rõ: "Cơ quan này ủng hộ về chủ trương việc thành lập các hãng hàng không mới trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với hệ thống quy hoạch ngành và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng với sự phát triển của thị trường và nhu cầu đi lại của nhân dân".
“Việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới”, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Hạ tầng hàng không Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, việc đến năm 2025, Công ty Thiên Minh dự kiến khai thác 30 máy bay, bao gồm 15 máy bay ATR-72 và 15 máy bay A321 cần phải được xem xét lại về khía cạnh tính hiệu quả của đội máy bay ATR-72 cũng như năng lực, nguồn lực để khai thác đội máy bay với quy mô 30 chiếc. Từ đây, cơ quan này khuyến cáo, Thiên Minh chỉ nên khai thác từ 20-25 chiếc vào năm 2025.
Đánh giá về mạng bay, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020), Công ty Thiên Minh chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đi đến các cảng hàng không địa phương như: Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không cho giai đoạn sắp tới, đặc biệt là tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Để tránh gây áp lực lên các CHK quốc tế này, trong năm đầu tiên, Công ty Thiên Minh chỉ tập trung khai thác các đường bay từ khu vực miền Trung đi/đến các vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ và chỉ khai thác duy nhất đường bay từ CHKQT Tân Sơn Nhất đi/đến Côn Đảo, 3 đường bay từ CHKQT Nội Bài đi/đến các cảng hàng không Điện Biên, Vinh và Chu Lai.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định, kế hoạch này chỉ có thể khả thi trong trường hợp các dự án mở rộng và xây mới nhà ga hành khách tại hai CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng với CHK Long Thành được thực hiện và đưa vào khai thác theo đúng tiến độ vào giai đoạn từ năm 2023-2025.
Sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời
Liên quan đến việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, quan điểm chung của Bộ GTVT là ủng hộ sự tham gia của các hãng mới, thị trường hàng không tăng trưởng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng, giá cả sẽ tốt hơn cho hành khách.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Đông, Bộ GTVT sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời. Trường hợp của Bamboo Airways là một ví dụ, họ đã mất hơn 1 năm mới hoàn thiện xong thủ tục để được cấp phép bay.
“Việc cấp phép cho hãng bay mới là ngành kinh doanh có điều kiện nên phải xem xét kỹ, trong đó có yếu tố dự phòng mở hãng với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực cảng hàng không (CHK), đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh tranh, lộ trình đầu tư, điểm đến”, Thứ trưởng Đông nói.
Về hạ tầng sân bay quá tải xuống cấp do thị trường hàng không tăng trưởng “nóng”, theo Thứ trưởng Đông, hạ tầng hàng không Việt Nam còn hạn chế trong bối cảnh tăng trưởng hàng không duy trì 10 năm nay luôn ở mức 2 con số từ 15-17%, gây áp lực đến nhà ga, sân bay, đường lăn… mà hiện hữu là sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Phú Quốc.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu xây dựng danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng sớm nhất. Phần hạ tầng nào kêu gọi vốn doanh nghiệp xã hội hóa sẽ cho xây dựng và nếu không được thì Nhà nước sẽ đầu tư”, Thứ trưởng Đông thông tin.
Công an nhân dân