Lái xe bán tải chèn ngã khiến 1 CSGT tử vong trong lúc truy đuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự?
Theo chuyên gia luật, nếu xác định thời điểm gây ra vụ việc, Chủng bị tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 18/4, công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh BR-VT) đang điều tra xử lý đối tượng Huỳnh Văn Chủng (43 tuổi, ngụ phường Tân Nhơn Phú, quận 9, TP HCM) để xử lý về hành vi lái xe hơi gây ra tai nạn, tấn công người đi đường rồi đâm vào xe lực lượng CSGT khiến 1 CSGT tử vong.
Cụ thể, trước đó 1 ngày, Chủng điều khiển xe ô tô BKS 51C-952.29 lưu thông trên Quốc lộ 51 (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) thì xảy ra tai nạn rồi bỏ chạy. Khi người dân truy đuổi chặn đầu xe thì bị Chủng dùng rìu đe dọa tấn công rồi bỏ đi.
Sau đó, lực lượng CSGT thị xã Phú Mỹ phát hiện Chủng chạy xe với tốc độ rất cao nên ra hiệu dừng xe. Tuy nhiên, anh ta không chấp hành hiệu lệnh, vượt luôn cả đèn đỏ để tháo chạy. Hai chiến sĩ dùng mô tô đặc chủng truy bắt thì bị Chủng tông trúng dẫn đến nguy kịch.
Sau đó, đại úy Chu Quang Sáng (cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tử vong tại bệnh viện do đa chấn thương gãy tay, gãy xương sườn, nứt xương chậu. Chủng tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy thêm 10 km hướng về TP Bà Rịa. Nhận được tin báo, các tổ trực trên quốc lộ 51 đã dùng xe tải chốt chặn mới dừng được chiếc xe vi phạm, đưa tài xế về công an làm việc.
Chủng (ngồi) tại hiện trường xảy ra vụ việc.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Chủng không sử dụng ma túy. Người này được cho là có hồ sơ tâm thần từ năm 2006. Đồng thời, anh ta còn là giám đốc của một công ty vận tải.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP HCM) dẫn luật quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự (BLHS) cho biết: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Tuy nhiên, luật sư Tuyền đánh giá hành vi của Chủng như đã nêu trên là hết sức nghiêm trọng, cố tình đâm vào lực lượng cơ quan chức năng nhằm mục đích nguy hiểm. "Theo luật người bị tâm thần có thể được miễn trách nhiệm hình sự, buộc phải đưa đi chữa trị bắt buộc.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Chủng chỉ có bệnh án thể hiện tiền sử bệnh tâm thần. Do đó, cơ quan chức năng cần đưa đi giám định tâm thần để xác định thời điểm trong khi gây ra vụ việc trạng thái tinh thần có bình thường hay không? Nêu thời điểm xảy ra vụ việc, Chủng vẫn bình thường thì có thể sẽ bị xử lý bình thường theo quy định pháp luật", luật sư Tuyền nói.
Chủng bị tâm thần nhưng lại là giám đốc của một công ty vận tải.
Chuyên gia về luật cho biết nếu không mắc bệnh tâm thần, hành vi của Chủng có thể phạm tội "Chống người thi hành công vụ", thậm chí có dấu hiệu của tội "Giết người".
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng trường hợp tài xế là người có đầy đủ năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị truy tố theo luật hiện hành.
Tuy nhiên, luật sư này cũng đặt ra vấn đề: "Tại sao Chủng là người bị tâm thần đã có giấy xác nhận bệnh án từ 2006 mà lại được cấp giấy đăng kí xe cũng như ông ta làm giám đốc một doanh nghiệp vận tải. Có hay không sự sai sót, bỏ hở của công tác quản lí về chuyên ngành?"
Luật sư Đức cho rằng cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong việc cấp phép lái xe hơn đối với những bệnh nhân có tiền sử, biểu hiện bệnh tâm thần.
Trí Thức trẻ