MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm bàn về “phong trào” thoái vốn của ngân hàng ngoại

12-07-2017 - 07:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần đây đã có một số ngân hàng nước ngoài muốn thu hẹp hoạt động hoặc rút vốn khỏi Việt Nam và điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng đây là một xu hướng, cho thấy những dấu hiệu không tích cực về môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng Việt Nam.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Bài viết này xin lạm bàn một số điểm liên quan đến “phong trào” thoái vốn ngân hàng hiện nay. Nói “lạm bàn” bởi người viết bài này cũng như các tác giả khác đều là người ngoài cuộc, không rõ nội tình của từng ngân hàng và từng thương vụ liên quan nên không thể biết rõ điều gì đã và đang xảy ra tại những ngân hàng ngoại này cũng như ý đồ thực sự đằng sau các động thái đó.

Bởi vậy, cùng một hiện tượng thoái vốn nhưng sẽ được nhìn nhận một cách rất khác nhau bởi những con mắt khác nhau của người ngoài cuộc, dù là giới chuyên gia, mà nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng “thầy bói mù xem voi”.

Tuy nhiên, có một số hiện thực khách quan để có thể đưa ra những nhận định mang tính xác thực cao hơn.

Trước tiên, nói là đang có một phong trào hay xu hướng thoái vốn bởi các ngân hàng ngoại khỏi các ngân hàng nội địa là hơi vội vàng. Điểm lại các trường hợp thoái vốn trong năm nay được giới truyền thông đưa tin thì rõ ràng là mới chỉ có ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan, Standard Chartered Bank rút khỏi ACB; HSBC rút khỏi Techcombank và chi nhánh TP. HCM của CBA bán lại cho VIB. Mỗi trường hợp xảy ra trong một hoàn cảnh khác nhau, khó mà khái quát hóa, thậm xưng hóa thành “hàng loạt” như có người đã nhấn mạnh.

Trong các thương vụ trên, có thể loại ra ngay thương vụ ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan ra khỏi “phong trào” hay “xu hướng” ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng nội, nếu có, đơn giản vì ông chủ mới mua lại mảng bán lẻ của ANZ cũng là một ngân hàng ngoại. Nếu đứng trên quan điểm rằng các ngân hàng ngoại đang có cái nhìn bi quan vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nên họ đang thoái vốn “hàng loạt” thì sẽ rất khó giải thích tại sao Shinhan lại mua lại một phần của ANZ.

Với 3 trường hợp còn lại, có lẽ là không đủ cả về số lượng lẫn bằng chứng để kết luận rằng ngành ngân hàng Việt Nam không còn là địa chỉ hấp dẫn với các ngân hàng ngoại nữa. Việc thoái vốn của 3 ngân hàng trên có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân. Đó có thể là việc tái cơ cấu lại ngân hàng mẹ hoặc cả hệ thống ngân hàng đó trên toàn cầu, tập trung vào những mảng kinh doanh và thị trường cốt lõi, là thế mạnh của mình, hoặc để cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô để đối phó những rủi ro và thách thức mới hay đáp ứng chiến lược hoạt động mới.

Đó cũng có thể là hành động chốt lãi (hoặc cắt lỗ) sau một thời gian dài đầu tư và nắm giữ cổ phần các ngân hàng nội địa đối tác. Đó còn có thể là sự “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong mối quan hệ giữa các ngân hàng ngoại với đối tác của mình, hoặc sự khác biệt trong đường lối, chiến lược hoạt động trong hội đồng quản trị mà phía đại diện nước ngoài chỉ chiếm thiểu số, dẫn đến sự “dứt áo ra đi” của phía đối tác ngoại...

Cũng cần lưu ý rằng tình hình và triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam không nhất thiết là tương đồng với tình hình và triển vọng của từng ngân hàng riêng lẻ, hoặc ngược lại. Bởi vậy mới có chuyện các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế thường không mấy khi đồng loạt thay đổi xếp hạng tín dụng và triển vọng xếp hạng tín dụng của tất cả các ngân hàng của một quốc gia nào đó họ có đánh giá.

Do đó, cho dù một số ngân hàng đối tác nội địa có thể có tình hình và triển vọng kinh doanh không được khả quan buộc các ngân hàng ngoại phải thoái vốn khỏi những ngân hàng nội địa này, nhưng điều này không có nghĩa là hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và các ngân hàng nội địa khác nói riêng có triển vọng tiêu cực, rủi ro hơn, thiếu cơ hội và tiềm năng phát triển, sinh lợi.

Hàm ý của điều trên là không thể nhận định rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam đang rủi ro, sinh lợi thấp nên các ngân hàng ngoại thất vọng, chán ngán, hoặc hoảng sợ, thi nhau tháo chạy hàng loạt khỏi Việt Nam. Cần nói thêm rằng các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế như Moody’s, Standard & Poors, và Fitch hiện đều đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức độ “Ổn định”.

Một hàm ý khác là, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng sau một thời gian nữa, chính các ngân hàng ngoại này lại tìm cách mua cổ phần của một vài ngân hàng nội địa khác đem lại khả năng sinh lợi cao hơn và an toàn hơn những đối tác nội địa trước đây của họ.

Tóm lại, hãy còn quá sớm để khái quát hóa các bước đi của một số ngân hàng ngoại hiện nay tại Việt Nam thành bất cứ một xu hướng nào đó. Trong bối cảnh hiện tại, điều có thể nói về việc thoái vốn của một số ngân hàng như vừa qua là có lẽ đó chỉ là những toan tính riêng rẽ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ mà thôi.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên