Làm gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử?
Có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng thương mại điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hàng giả. hàng nhái xuất hiện tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang.
- 18-04-2019Bỏ ngân hàng đi trồng hoa, chàng trai gây dựng vườn hồng bạc tỷ “đẹp vạn người mê”
- 18-04-2019Inforgraphic: Giá xăng tăng như thế nào từ đầu năm?
- 18-04-2019Xăng liên tục tăng giá: Hàng hóa 'nhảy múa' tăng theo
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình nhưng năm qua từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử lên tới 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của thương mại điện tử như người mua và người bán chỉ trao đổi qua mạng mà không gặp mặt trực tiếp hoặc công cụ tìm kiếm thuận lợi... đã dễ dàng "tiếp tay" cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi trên môi trường internet
Phát biểu tại buổi Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử", ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và trên cả sàn thương mại điện tử lớn... gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí Jack Ma (Nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba) đã nhận định vấn nạn hàng giả như là căn bệnh "ung thư" của các website thương mại điện tử.
Không khó để nhận thấy trên một số trang bán hàng online rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ đến bất ngờ. Điển hình như đồng hồ Rolex E10; đồng hồ nhãn hiệu Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/sản phẩm… Trong khi giá chính hãng của những sản phẩm này lên tới vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn USD.
Do đó, để có thể bảo vệ người tiêu dùng nhiều diễn giả cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với sự tham gia của đại diện một số sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website nhằm minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.