Làm gì để khép lại tình trạng bấp bênh của nông sản?
Để chấm dứt tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của nông sản là được mùa mất giá mà được giá thì mất mùa, cần tăng cường tiêu thụ nông sản qua các hợp đồng liên kết, khép kín chuỗi liên kết trong nông nghiệp.
- 17-04-2017Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch: Lối ra cho nông sản Việt
- 14-04-2017“Giải cứu” hay đẩy nông sản vào ngõ cụt?
- 30-03-2017Trung Quốc ngừng mua, nông sản Việt 'vỡ trận' mất giá
Châu Âu hiện có gần 290.000 hợp tác xã (HTX) với 140 triệu thành viên. Các sản phẩm thịt, sữa, rau quả sạch mang thương hiệu HTX nông nghiệp luôn có lợi thế và chiếm tới 70% thị phần sản phẩm thịt chế biến, hơn 60% thị phần các sản phẩm sữa, hơn 30% thị phần rượu nho ở Đức.
Trong khi đó, Hoa Kỳ hiện có gần 50.000 HTX; trong đó có 3.500 HTX nông nghiệp đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản. Còn các HTX nông nghiệp Nhật Bản thu gom, bảo quản, dự trữ, tiêu thụ tới 90% lúa gạo và hơn 50% rau, hoa quả, sữa tươi… cho nông dân.
Trong khi ở Việt Nam, chỉ có khoảng 9% các HTX cung cấp dịch vụ liên kết tiêu thụ nông sản “đầu ra” cho xã viên trong tổng số trên 10.000 HTX nông nghiệp (trong đó có hơn 9.300 là HTX dịch vụ nông nghiệp). Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3-15% tổng sản lượng tiêu thụ hằng năm, khiến khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân thường xuyên bị động và thị trường đầu ra thiếu ổn định; kéo theo điệp khúc “được mùa rớt giá”, với nhiều hệ lụy tiêu cực cho người nông dân và xã hội.
Những ngày gần đây, cả nước chung lo đối phó với làn sóng sụt giảm chưa từng có về giá thịt lợn hơi, đe dọa phá sản hàng ngàn hộ chăn nuôi, với những hiệu ứng tiêu cực không nhỏ về nợ nần và an sinh xã hội. Nghịch lý ở chỗ, thịt hơi trên thị trường nội địa thì dư thừa và giá bán buôn giảm mạnh, nhưng giá bán lẻ lại không giảm tương ứng. Trong khi đó, khâu chế biến không đáp ứng được nhu cầu thị trường nước ngoài về thịt đã pha chế, cấp đông và xuất khẩu chính ngạch…
Nguyên nhân là do chăn nuôi vẫn chủ yếu diễn ra tại các hộ nông dân theo kiểu truyền thống, phân tán, phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập ngoại cả về giống, thức ăn, thuốc thú y, cũng như lối hành xử của các tiểu thương vốn không coi trọng chữ tín, hoặc không có hợp đồng bao tiêu và cả giấy phép xuất khẩu chính ngạch.
Người dân thường đua nhau tăng đàn một cách cảm tính mỗi khi giá thịt hơi tăng, hoặc có “hợp đồng miệng” với thương lái. Đồng thời, họ lại vội vã bán tháo khi giá hạ do vốn mỏng và không có công cụ phòng ngừa rủi ro. Các doanh nghiệp chế biến trong nước cũng còn nhiều hạn chế cả về năng lực giết mổ, cấp đông và chế biến đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn, trong khi thị trường nước ngoài tăng cường giám sát chất lượng và hạn chế nhập khẩu lợn sống tiểu ngạch.
Nguyên nhân quan trọng nhất là sự lỏng lẻo, bỏ trống, thiếu hụt, “hở” nhiều công đoạn, nhất là công đoạn chế biến tiêu thụ, bảo quản và vận chuyển trong chuỗi liên kết chăn nuôi. Quan hệ giữa các hộ với doanh nghiệp khá mờ nhạt, còn vai trò hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương thì còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí còn bị thả nổi.
Để ngăn chặn sự xuống giá của thịt lợn hơi, ngày 29/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản số 597/TTg-NN chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, trước mắt cần ưu tiên đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tạm nhập tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn; chống buôn lậu gian lận thương mại; tăng năng lực dự trữ, cấp đông thịt lợn trong các tháng mùa hè sắp tới; rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất…
Về lâu dài, cần chuyển sang phát triển chăn nuôi gắn với dự báo và yêu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là giống, thức ăn, thuốc thú y, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, điều chỉnh về quy mô và cơ cấu đàn lợn, chú trọng chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức tốt các chương trình kết nối, ký kết các hợp đồng thu mua chế biến, cấp đông, với giá cả hợp lý, ổn định giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất, HTX và các trang trại, hộ chăn nuôi. Các cơ quan chức năng cần tăng cường năng lực, trách nhiệm và linh hoạt đẩy nhanh tiến trình đàm phán tìm thị trường mới; hợp lý hóa các khâu thủ tục giấy tờ và tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn thông qua các hộ tiêu thụ lớn; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối đáp ứng sức mua trong nước và mở rộng xuất khẩu chính ngạch có bảo hiểm sang các nước thị trường tiềm năng.
Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, chăn nuôi lợn và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác chỉ bảo đảm sự bền vững và hiệu quả khi được tổ chức thành chuỗi liên kết khép kín và hiện đại, từ sản xuất thức ăn, con giống, tới thu mua, vận chuyển và chế biến, đa dạng hóa và cung ứng sản phẩm; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng, nội ngành và liên ngành theo quy hoạch tổng thể phù hợp với lợi thế từng địa phương, vùng miền, cơ sở hạ tầng; được dẫn dắt theo các hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm hài hòa lợi ích và kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và của các nước nhập khẩu…
Tăng cường tiêu thụ nông sản qua các hợp đồng liên kết, khép kín chuỗi liên kết trong nông nghiệp là khép lại quá khứ bấp bênh về giá cả và sản lượng của hàng loạt nông sản chủ lực và mở ra cách làm mới, tương lai mới tươi sáng hơn của hàng triệu nông dân Việt.
Chinhphu.vn