“Làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi, có lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn”
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, cần được quan tâm và đánh giá kỹ...
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu quan điểm trên, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội trong phiên họp sáng nay (11/5).
Làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi
Thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm nay, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đánh giá kỹ hơn 16 vấn đề, trong đó có thị trường vốn, bất động sản và ngân hàng.
Trước hết, về thị trường vốn, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ tham gia mua trái phiếu riêng lẻ; một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.
Ngoài ra, cơ cấu thị trường trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối, phát hành TPDN riêng lẻ chiếm xấp xỉ 95% tổng giá trị trái phiếu phát hành, phát hành TPDN ra công chúng chỉ chiếm 5% tổng giá trị phát hành, TPDN niêm yết và giao dịch tập trung chỉ chiếm 2% tổng dư nợ thị trường TPDN. Khoảng 70% giá trị TPDN phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán.
Theo Ủy ban thẩm tra, việc phát hành của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế; hầu hết các TPDN, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm; việc thiếu các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.
Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường TPDN trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết - cơ quan thẩm tra nêu rõ quan điểm.
Nghiên cứu phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp khi xử lý các vụ việc
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nguyên nhân tăng giá thị trường bất động sản đến từ nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng từ những vướng mắc thủ tục và các lệnh rà soát; việc siết tín dụng với bất động sản liệu có triệt tiêu được sốt đất hay không cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn, như sản phẩm không đủ điều kiện để bán, tính pháp lý kém như phân lô, bán nền bừa bãi; đồng thời cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi xung đột lợi ích trên thị trường, quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ.
Có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư TPDN của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn; đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư TPDN với tổng số dư là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021.
Tỷ trọng đầu tư TPDN so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%. Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống TCTD là 160,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống.
Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh các ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, TPDN sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng và cần khơi thông phát triển; đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Với lĩnh vực đất đai, cơ quan thẩm tra nhận định, hiện nay việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong các nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013; do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; hay do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm để có giải pháp khắc phục các vướng mắc, bất cập, đồng thời nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế còn đề nghị báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang có nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.
Ủy ban đề nghị sớm rà soát toàn diện về các vấn đề nêu trên để có biện pháp xử lý thích hợp, trường hợp cần thiết phải thu hồi nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng đất và phát huy hiệu quả nguồn lực này. Có ý kiến đề nghị quyết tâm, khẩn trương, ưu tiên bố trí thời gian và nguồn lực để sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023.
Đang phấn đấu giảm lãi suất thì có xu hướng tăng…
Về lĩnh vực ngân hàng, cơ quan của Quốc hội nhận xét: Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên, theo phản ánh một số ngân hàng đang thực hiện việc tăng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Đề nghị từ Ủy ban Kinh tế là Chính phủ cần báo cáo rõ nét hơn về việc triển khai nội dung này.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Cần chú trọng vào việc chuyển hướng các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng "nóng" ở các thị trường tài sản tiềm ẩn rủi ro cao.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát sao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu của các TCTD có xu hướng gia tăng; trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ. Có ý kiến cho rằng các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NNNN của Ngân hàng Nhà nước (được đánh giá là có khả năng chuyển thành nợ xấu).
Do chính sách này chỉ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2022, việc tiếp tục kéo dài chính sách này hay không cần được đánh giá và cân nhắc, vừa bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế, vừa phản ánh thực chất nợ xấu để có giải pháp quản lý, kiểm soát thích hợp.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, Ủy ban Kinh tế sẽ có báo cáo thẩm tra riêng về nội dung này trình Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Nhịp Sống Doanh Nghiệp