Làm giàu không bao giờ muộn: Đây là 5 doanh nhân “vụt sáng” và thành công khi chẳng có tiền hay thành tựu gì ở tuổi 30
Bên cạnh những người thành công có khối tài sản tỷ đô ngay từ tuổi 20 hoặc trong thời gian học trung học thì cũng không thiếu những doanh nhân tìm cách để gây dựng sự nghiệp của mình ngay cả khi không có tiền và thành tựu gì ở độ tuổi 30.
- 08-05-2018Đây là nơi Jack Ma hối tiếc vì không đến sớm hơn, khuyên người trẻ không nên chỉ đọc mà hãy đến một lần để có thể cảm nhận
- 22-04-2018Muốn thành công, bất cứ ai cũng có thể học những kỹ thuật nói chuyện này của "thánh chém bão" Jack Ma
- 13-03-2018Cả Jack Ma, Đức Đạt Lai Lạt Ma, CEO Linkedin Jeff Weiner đều thống nhất đây là kỹ năng quan trọng nhất để thành công
- 07-02-2018Những bài học dạy con trưởng thành sau thất bại đáng học tập từ tỉ phú Jack Ma
1. Tim Westergren
Tim Westergren là người sáng lập Pandora - kênh radio trực tuyến, nhưng ông chỉ bắt đầu đạt được thành công trong sự nghiệp của mình vào năm 35 tuổi. Trước đó, ông từng là nhạc sỹ bán thời gian và làm công việc "vú em". Vào cuối những năm 1990, ông bắt đầu sáng tác nhạc phim dựa trên yêu cầu của từng đạo diễn mà ông hợp tác.
Sự nghiệp mới này không được trả lương cao nhưng nó là nền tảng giúp ông nảy lên ý tưởng tạo ra dự án âm nhạc Genome. Mãi cho đến năm 2007, Westergre mới tạo ra Pandora và vào năm 2010, ông được bầu chọn là một trong 100 doanh nhân có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time.
2. Milton Hershey
Bạn có thể nhìn thấy cái tên này trên vỏ của những thanh sô cô la. Tuy nhiên bạn không biết rằng, Hershey chỉ thành công khi ông ở độ tuổi 37. Khi còn rất trẻ, vào năm 13 tuổi, ông đã bỏ học và bắt đầu học nghề làm kẹo. Hershey vay mượn tiền để mở cửa hàng kẹo của riêng mình nhưng thua lỗ sau 5 năm hoạt động.
Sau đó, cho đến năm 26 tuổi, Milton Hershey khởi động công ty Lancaster Caramel Company nhưng vẫn thất bại. Cho đến năm 1893, khi 37 tuổi, ông chú trọng vào sản xuất sô cô la sữa và Hershey Chocolate Company ra đời từ đó.
3. Gordon Moore
Định luật Moore được xây dựng bởi Gordon Moore - một trong những sáng lập viên của tập đoàn sản xuất chip máy tính nổi tiếng Intel. Tuy nhiên cho đến năm 38 tuổi, ông mới bắt đầu gây dựng nên doanh nghiệp.
Trước đó, vào năm 27 tuổi, Moore tham gia cùng với 7 chuyên gia công nghệ tài năng khác để tạo nên công ty Fairchild Semiconductor. Sau 10 năm tập đoàn hoạt động trì trệ và gây thất vọng, Moore đã rời bỏ và bắt đầu công việc kinh doanh Intel của riêng mình cùng với đối tác Bob Noyce.
4. Jan Koum
Sinh ra ở Ukraine, Koum đã đến Mỹ cùng mẹ khi anh 16 tuổi. Khi ấy, anh phải sống nhờ vào thực phẩm tem phiếu trợ cấp và làm người gác cổng để sống qua ngày. Vào năm 18 tuổi, anh học lập trình và bắt đầu đến trường nhưng bỏ học trước khi có được tấm bằng.
Sau đó anh làm việc tại Yahoo khoảng 10 năm nhưng đã từ bỏ ở tuổi 30 để theo đuổi một mục tiêu lớn hơn. Năm 32 tuổi, anh sáng lập nên công ty WhatsApp. Sau hàng loạt những lỗi và trục trặc khi khởi động ứng dụng WhatsApp, tưởng chừng như Koum sẽ đóng cửa công ty, nhưng rất may anh đã không làm vậy. Cho đến năm 37 tuổi, anh đã bán WhatsApp cho Facebook với số tiền "khủng" là 19 tỷ đô la.
5. Jack Ma
Jack Ma - người sáng lập Alibaba cũng có một câu chuyện đầy cảm hứng. Sinh ra trong một gia đình nghèo, Jack Ma nghĩ rằng cách duy nhất để bứt phá là thông qua giáo dục, nhưng anh đã thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học của mình hai lần. Tuy nhiên, cuối cùng anh cũng được nhận vào lần thứ ba và bắt đầu ứng tuyển vào các công việc mà anh cho rằng mình có khả năng đảm nhận.
Sau hơn chục lần bị từ chối, Jack Ma đã bắt đầu dạy tiếng Anh với mức lương 12 đô la một tháng. Khi tới Mỹ vào năm 31 tuổi, anh thấy được một cơ hội lớn cho các công ty internet ở Trung Quốc. Jack Ma đã mạo hiểm thành lập hai công ty nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Vào năm 35 tuổi, anh tập hợp một nhóm bạn bè để đầu tư cho ý tưởng về mô hình thương mại điện tử Marketplace của mình mà sau đó trở thành Alibaba. Vào cuối năm 2017, Jack Ma có tài sản trị giá 46,6 tỷ đô la. Đây một bước tiến lớn so với mức lương 12 đô la trước đó của anh.
Bạn đừng bận tâm về việc mình 20, 30, 40 tuổi hay già hơn. Nếu bạn có một ý tưởng vững chắc, có niềm đam mê theo đuổi và tiếp cận được nguồn tài nguyên bạn cần để hoàn thành công việc, bạn cũng có thể trở thành một doanh nhân thành công ở mọi lứa tuổi.
Dù khởi nghiệp ở bất cứ độ tuổi nào thì cũng có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Chẳng hạn như tuổi trẻ thì thường thiếu kinh nghiệm và là độ tuổi có khả chịu rủi ro thấp nhưng với tinh thần và sự nhận thức đúng đắn về kinh doanh, nó có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn.
Business Insider