MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm người 'xấu tính' ở nhà sẽ có xu hướng 'tốt tính' tại công ty

25-04-2023 - 08:47 AM | Sống

Vì sao lại có sự 'thay đổi nhân cách' này?

Trước khi ra khỏi nhà đi làm, bạn không may gây gổ với người thân trong gia đình. Vậy là bạn bước ra khỏi nhà với cảm giác khó chịu, bức bối. Bạn nghĩ trận cãi vã buổi sáng đã phá hủy tâm trạng cả một ngày, bây giờ bạn sẽ đi làm mà theo một cục tức, một sự buồn bực không thể vơi đi.

Nhưng theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng của Mỹ, những người rơi vào hoàn cảnh này thường có cách phản ứng khá bất ngờ: Họ có xu hướng giúp đỡ đồng nghiệp nhiều hơn ở chỗ làm!

Nghiên cứu này đồng thời hé lộ phương pháp giúp nhân viên kiểm soát cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng công việc, và người quản lý cũng có thể hỗ trợ nhân viên của mình tốt hơn.

Nghiên cứu kết luận: Làm người ‘xấu tính’ ở nhà sẽ có xu hướng làm người ‘tốt tính’ ở công ty - Ảnh 1.

Bạn nghĩ trận cãi vã buổi sáng ở nhà sẽ làm bạn "xấu tính" ở chỗ làm, nhưng sự thực không phải như vậy

Nghiên cứu được thực hiện trên 226 nhân viên, gần một nửa là phụ nữ và có đến 80% là đã kết hôn, tất cả đều làm những công việc khác nhau.

Trong nghiên cứu, một số người được yêu cầu là phải nhớ lại một lần họ cãi vã hoặc bất đồng với người yêu, người thân trong gia đình. Đặc biệt là cuộc ẩu đả phải xảy ra ngay trước khi họ chuẩn bị đi làm. Tương tác tiêu cực có thể bao gồm trận cãi cọ kéo dài từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau, không thèm nhìn mặt nhau khi ăn sáng, cáu gắt trước mọi hành động nhỏ nhặt của đối phương. 

Để dễ so sánh, bên cạnh nhóm nhớ về cảm giác tiêu cực thì sẽ có một nhóm nhớ về sự tích cực. Tức là những hành động “lịch sự” mà người yêu, người thân làm cho bạn trước khi bạn bước ra khỏi nhà đi làm.

Đúng như nhóm nghiên cứu dự đoán, người phải nhớ về trải nghiệm tiêu cực sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức hơn khi làm việc. Điều khiến họ bất ngờ là các nhân viên này có xu hướng giúp đỡ đồng nghiệp nhiều hơn ở chỗ làm. Vậy là năng suất làm việc có thể giảm, nhưng sự gắn kết với đồng nghiệp lại tăng lên.

Không muốn trút năng lượng tiêu cực vào người khác

Thông thường, chúng ta hay nghĩ rằng tâm trạng tiêu cực vào buổi sáng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với đồng nghiệp ngay sau đó. Nhưng thực tế là chúng ta lại làm điều ngược lại, đó là giúp đỡ đồng nghiệp nhiều hơn, đặc biệt là cực kỳ quan tâm đến việc giúp họ giải quyết vấn đề cá nhân không liên quan đến công việc.

Đây dường như là một “cơ chế đối phó” khá tự nhiên, bởi vì khi mối quan hệ thân thiết của một người gặp vấn đề, họ sẽ tìm kiếm sự tự tin, ấm áp và cảm giác tích cực ở những mối quan hệ khác, họ sẽ không muốn tích tụ thêm cảm giác không vui ở chỗ làm nữa, bởi chuyện buồn bực ở nhà là quá đủ rồi. Thay vì “giận cá chém thớt”, họ sẽ đối xử hòa nhã với đồng nghiệp hơn mức thông thường.

Nghiên cứu kết luận: Làm người ‘xấu tính’ ở nhà sẽ có xu hướng làm người ‘tốt tính’ ở công ty - Ảnh 2.

Hơn nữa, những người giúp đỡ đồng nghiệp giải quyết vấn đề cá nhân sẽ có tâm trạng tốt hơn sau khi về nhà, so với những người không làm gì. Vì thế, họ giúp người khác cũng như đang giúp chính mình.

Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng bạn cũng cần tiết chế đôi chút, bởi mục đích chính khi đi làm là nâng cao hiệu suất công việc, nên đừng quá sa đà vào cuộc sống cá nhân của người khác mà lơ là công việc. 

Nhà quản lý có thể làm gì?

Trong thời đại công nghệ, rất nhiều công việc không đòi hỏi nhân viên phải thường xuyên đến công ty, họ thậm chí có thể làm việc ở nhà toàn thời gian. Rắc rối bắt đầu từ đây, nếu họ có xích mích với người nhà, họ sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu cả ngày và không thể gặp gỡ đồng nghiệp để trút bầu tâm sự. Vì thế người quản lý cần để tâm hơn đến năng lượng tinh thần của nhân viên và tạo ra một môi trường khuyến khích sự tương tác tích cực giữa các thành viên trong tổ chức. 

Theo Hạ Khương

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên