MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát có khả năng chạm 5%

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV vừa được công bố ngày 11-10, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi.

Theo đó, chỉ riêng trong tháng 9, CPI đã tăng 0,54%, với sự đóng góp lên tới 0,42% của nhóm Giáo dục. Trong khi lạm phát cơ bản vẫn duy trì quanh mức 1,8% thì lạm phát toàn phần tăng tương đối nhanh và đạt mức trước đợt suy giảm vào cuối năm 2014.

So với cùng kỳ năm trước, lạm phát toàn phần cuối quý IV đạt 3,34%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức 1,85%. Điều này cho thấy rõ tác động của việc điều chỉnh giá nhóm hàng do Nhà nước quản lý tới mức giá chung.

Trong quý IV, cả hai nhóm dịch vụ y tế và giáo dục đã lần lượt được điều chỉnh. Trước đó, kể từ quý II, Liên Bộ Y tế - Tài chính quyết định thực hiện chia nhỏ các đợt điều chỉnh thay vì điều chỉnh một lần như dự kiến ban đầu. Do vậy, ba đợt điều chỉnh tiếp theo dự kiến vào ba tháng cuối năm sẽ có tác động thấp hơn tới CPI do chỉ cần điều chỉnh tại những tỉnh thành có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn.

“Lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trong quý IV. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.

Do vậy, đại diện VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý 4 và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.

Cũng theo đại diện VEPR, đầu tư trong quý IV không có nhiều cải thiện tích cực so với nửa đầu năm. Theo đó, dù lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng nhanh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại có dấu hiệu chững lại trong quý IV. Đặc biệt, vốn đầu tư khu vực có vốn FDI đạt 82,2 nghìn tỷ đồng trong quý (cộng dồn chín tháng đầu năm đạt 240,4 nghìn tỷ đồng), tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng quý trước cũng như cùng kỳ năm trước.

Khu vực có vốn Nhà nước vẫn duy trì ổn định và tăng 5,7%, cộng dồn 9 tháng đầu năm tăng 7,2% và đạt 378,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 10,3%, thấp nhất trong vòng bốn quý gần đây. Tính chung cả ba khu vực, vốn đầu tư toàn xã hội chín tháng đầu năm đạt 1.006,9 nghìn tỷ đồng theo giá hiện hành, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Hoài Anh

Báo hải quan

Trở lên trên