Lạm phát lương thực thêm phần căng thẳng khi giá dầu ăn toàn thế giới tăng cao, đe doạ 'ví tiền' của người tiêu dùng
Giá dầu ăn - loại nguyên liệu được sử dụng trong hàng nghìn sản phẩm từ socola đến bơ thực vật, mì ăn liền, đang tăng theo chiều thẳng đứng. Do đó, người tiêu dùng trên thế giới đang phải chi trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm sử dụng hàng ngày.
Từ dầu thô đến ngũ cốc, dầu ăn, thị trường hàng hóa đã chịu ảnh hưởng lớn bởi căng thẳng Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt quy mô lớn của Mỹ và châu Âu diễn ra sau đó. Các cảng của Ukraine buộc phải đóng cửa, hoạt động vận tải, logistics cũng gián đoạn nghiêm trọng. Trong khi đó, người mua không sẵn sàng hay thậm chí là không thể chi trả phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển đang tăng cao để đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ Biển Đen.
Nga và Ukraine không chỉ là những nhà cung cấp lúa mì, ngô và lúa mạch lớn, họ còn xuất khẩu hơn 75% lượng dầu hướng dương khắp thế giới. Mâu thuẫn giữa 2 quốc gia đang làm cho thị trường toàn cầu vốn đã gặp nhiều khó khăn về nguồn cung giờ đây lại càng bị "thắt chặt", khiến giá dầu cọ, dầu đậu nành tăng cao kỷ lục.
Anilkumar Bagani - trưởng bộ phận nghiên cứu của Sunvin Group, công ty môi giới và tư vấn về dầu ăn có trụ sở tại Mumbai, cho biết: "Xuất khẩu dầu hướng dương từ Biển Đen đang bị tắc nghẽn, các hoạt động sản xuất dầu ăn ở Ukraine đang bị ngừng trệ. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống lớn trong nguồn cung dầu thực vật toàn cầu."
Dầu cọ chiếm 1/3 dầu ăn được sử dụng trên toàn thế giới, trong khi dầu hướng dương chiếm 10%.
Khoảng trống này sẽ khó có thể được lấp đầy nhanh chóng khi các nhà cung cấp hạt dầu và dầu ăn khác phải đối mặt với những thách thức của riêng họ. Hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến vụ mùa cải dầu ở Canada vào năm ngoái và giảm sản lượng đậu tương ở Brazil, Argentina. Malaysia đang thiếu hụt nhân sự làm việc ở các đồn điền và Indonesia phải hạn chế xuất khẩu dầu cọ để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Do đó, giá của 4 loại dầu phổ biến nhất - dầu cọ, đầu nành, dầu hạt cải và hướng dương, đã tăng vọt. Tình trạng này đang khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn đối với mọi loại mặt hàng, từ kẹo cho đến dầu gội đầu ở các cửa hàng địa phương.
Giá dầu cọ đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, trong khi dầu đậu nành tăng khoảng 50%. Dầu hướng dương từ Ukraine cũng tăng khoảng 50%, theo UkrAgroConsult, trong đó mức giá được cập nhật gần nhất là ngày 24/2 khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giá dầu hạt cải cũng vậy.
Mâu thuẫn giữa 2 quốc gia cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, trong khi người mua đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung. Trung Quốc mới đây đã ban hành quy định ưu tiên an ninh hàng hóa và chỉ đạo các nhà mua được nhà nước hậu thuẫn tìm kiếm nguyên liệu thô ở các thị trường khác. Nước này cũng đang bán ra dầu ăn và đậu nành dự trữ trên thị trường nội địa để hạ nhiệt giá.
Các quốc gia xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu ăn hàng đầu, và các nước Trung Đông, đặc biệt gặp nhiều rủi ro khi dịp lễ Ramanda đang đến gần. Ấn Độ nhập khẩu khoảng 60% nhu cầu dầu ăn và giá thực phẩm tiêu dùng đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 14 tháng.
Ramada là dịp lễ kéo dài 1 tháng của người Hồi giáo, các tín đồ sẽ ăn chay từ bình minh và mở tiệc vào lúc hoàng hôn. Sự kiện này sẽ bắt đầu vào tháng 4 và sau đó là lễ Eid al-Fitr diễn ra vào tháng 5. Những sự kiện này được tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới tổ chức, thường thúc đẩy nhu cầu đối với dầu cọ và các loại dầu thực vật khác được dùng để chế biến đồ ăn.
Ngoài ra, một mối rủi ro khác mà các quốc gia phải đối mặt là nguồn cung sụt giảm sẽ khiến họ phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và kiểm soát lạm phát.
Khor Yu Leng - nhà kinh tế theo khu vực tại hãng tư vấn Segi Enam Advisors, cho hay: "Người tiêu dùng phải đối mặt với giá cả tăng cao và có thể là nhiều vấn đề về nguồn cung hơn nữa. Từ góc độ xuất khẩu, chúng ta sẽ nhận thấy việc các nước đảm bảo nguồn cung nội địa sẽ làm căng thẳng thêm cú sốc bên ngoài, ảnh hưởng đến các lĩnh vực thực phẩm và chuỗi cung ứng."
Tham khảo Bloomberg