MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát năm 2019 là bao nhiêu dưới góc nhìn chuyên gia?

Trong 2 năm liền Việt Nam đã đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng khả quan, lạm phát được kiềm chế thấp. Sang đến năm 2019, theo nhiều chuyên gia, lạm phát có khả năng tiếp tục được kiểm soát tốt.

Lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính nhận định.

Theo ông việc kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 đang được hỗ trợ bởi những điều kiện thuận lợi mà trong đó phải kể đến giá dầu đang có chiều hướng đi xuống.

Giá của loại nguyên liệu đầu vào thiết yếu này từng là một trong số những nhân tố khiến mục tiêu lạm phát khi được trình ra Quốc hội phải có sự thay đổi. Cụ thể, ông Độ cho biết tại kỳ họp hồi tháng 10, trước lo ngại giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục bị trì hoãn lâu, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt mục tiêu lạm phát năm 2019 là "khoảng 4%" thay vì mức "dưới 4%" như năm 2018.

Tuy nhiên, trước diễn biến giá dầu giảm sâu, từ 70 USD/ thùng xuống còn dưới 50 USD/thùng, mục tiêu lạm phát được điều chỉnh về mức "dưới 4%".

Bên cạnh giá dầu giảm, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết việc kiềm chế lạm phát trong năm nay còn được trợ lực bởi nhiều yếu tố khác.

Trước tiên là giá thịt lợn trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ không tăng hoặc giảm. Nhờ đó đóng góp của giá mặt hàng này vào lạm phát năm nay sẽ bằng 0 hoặc âm.

Tiếp theo, ông Độ cho biết trong năm 2019, áp lực tỷ giá được dự báo là thấp hơn 2018. Nguyên nhân kinh tế Mỹ được đánh giá sẽ tăng trưởng chậm lại với lộ trình tăng lãi suất của FED đang ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD không còn mạnh như trước.

Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng dịu đi khi cả hai cường quốc này dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau. Sự lặng sóng trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ khiến cho tỷ giá đồng NDT ổn định hơn.

Theo ông Độ, kịch bản trung bình là lạm phát sẽ tăng khoảng 0,14%/tháng, tương đương với mức tăng trong năm 2018. Với mức này, lạm phát cùng kỳ của tháng 12/2019 sẽ khoảng 1,7% và lạm phát trung bình chỉ ở mức trên 2%. Tuy nhiên, do Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình nên lạm phát trung bình sẽ cao hơn, nhưng vị chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng sẽ ở mức khoảng 3%. 

Trong kịch bản thấp, giá dầu tiếp tục giảm và tỷ giá VND/USD chỉ tăng 1%, lạm phát cùng kỳ của tháng 12/2019 có thể chỉ ở mức 1% và lạm phát trung bình cả năm 2019 chỉ ở mức 2,5%. 

Còn với kịch bản cao, nghĩa là giá xăng dầu tăng mạnh và tỷ giá có mức tăng tương đương với mức tăng của năm 2018, đồng thời Chính phủ điều chỉnh giá theo lộ trình, lạm phát trung bình của cả năm 2019 vẫn sẽ thấp hơn 3,54% của năm 2018. 

Như vậy, ông Độ nhìn nhận mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ chắc chắn sẽ đạt được.

PGS.TS. Ngô Trí Long lại cho rằng việc giữ mức lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là một thách thức. Ông nhận định giá dịch vụ công bị điều chỉnh trong năm nay sẽ tạo áp lực lên việc kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, giá dịch vụ công năm 2019 sẽ bị điều chỉnh tăng theo lộ trình 2016 – 2020 nên dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, tác động trễ tới diễn biến CPI trong năm sau. 

Nếu GDP trong năm 2019 có thể đạt 6,6 – 6,8% thì mức 6,6% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát còn nếu ở con số 6,8% và cao hơn (nhiều khả năng có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng) sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2019, theo phân tích của ông Long.

Tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2018 sang năm 2019 không lớn do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2018 ước đạt 2,07 lần, giảm so với năm 2017. Bên cạnh đó, hàng hoá thế giới sẽ không gây áp lực nhiều lên lạm phát do dự báo ít biến động trong năm 2019 và giá dầu được dự báo chỉ tăng 10% so với mức tăng 20% của năm 2018.

Dựa vào những yếu tố này, ông Long cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ tiếp tục ở mức thấp, khoảng 4% trong các năm 2019 và 2020.

Vũ Hoà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên