Lạm phát ở nhiều nền kinh tế có thể đã đạt đình, có xu hướng giảm trong năm 2023
(Ảnh minh họa - KT)
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát ở nhiều nền kinh tế đi lên liên tục hơn nửa năm qua và có thể tháng 1 đã là đỉnh, khả năng sẽ hạ nhiệt do sức cầu yếu.
- 21-02-2023Thấy gì từ khoản đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam của “đại gia” bán lẻ Thái Lan ?
- 21-02-2023Trong 20 năm, GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, nhảy bao nhiêu bậc trên thế giới?
- 21-02-2023Chính sách tiền lương công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2023
Lạm phát là một trong những câu chuyện chính và chi phối nhất với kinh tế thế giới năm 2022. Năm 2023, lạm phát vẫn đang tiếp tục diễn ra với những điều tiết chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn được cho sẽ chưa dừng lại, tới chừng nào đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Biến động lãi suất theo đó được đánh giá là một trong những yếu tố vẫn góp phần lớn tác động vào tổng thể bức tranh kinh tế 2023. Mục tiêu của cục dự trữ Liên bang Mỹ( Fed) là hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn quanh mốc cao nhất 40 năm.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phân tích về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2023: “Ngân hàng Nhà nước quan sát rất kỹ lạm phát cơ bản, lạm phát lõi, qua đấy thấy được áp lực của lạm phát, đặc biệt là lạm phát vòng 2 khi mà giá của các mặt hàng sẽ tác động đến CPI trong thời gian tới là rất dữ dội, đây là điều mà ngân hàng Nhà nước luôn kiên định để điều hành chính sách, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô”.
Tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 4,89%, riêng lạm phát cơ bản tăng 5,21% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù nguyên nhân tăng được lý giải do yếu tố lực cầu của Tết Nguyên đán, theo Công ty chứng khoán SSI mức tăng lạm phát cơ bản đã vượt xa mức trung bình thường thấy thời điểm này trong năm (từ 2-3%) và tương đương các nước phát triển.
Theo chứng khoán ACBS, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng từng tháng gây nên những quan ngại. Tuy nhiên, theo dự báo lạm phát tháng 1 có thể đã là đỉnh và xu hướng sẽ giảm dần từ tháng 2, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%. Các thành phần chính của CPI sẽ không tăng vọt trong nửa đầu năm 2023 và chỉ điều chỉnh nhẹ trong nửa cuối năm.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Hồ Quốc Tuấn cho rằng: “Sang năm nay chúng ta có một bức tranh đã khác đi, lãi suất tăng nhưng đã chậm lại, và sẽ đạt đỉnh trong năm nay. Điều đó làm người ta hi vọng rằng lãi suất toàn cầu sẽ còn tăng nữa nhưng tăng ổn định hơn năm 2022, và các nước đã có sự chuẩn bị cho vấn đề này”.
Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng nước ta (CPI) ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực là 7,85%, còn các nước phát triển có thời điểm lạm phát đạt đến hai con số. Theo các chuyên gia, lạm phát năm nay sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển. Hay nói cách khác, lạm phát các nước phát triển qua đỉnh và giờ đến lượt các nước đang phát triển tìm đỉnh.
VOV