MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh mới, cao hơn dự báo

13-07-2022 - 22:59 PM | Tài chính quốc tế

CPI tháng 6 của Mỹ tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát tháng 6 của Mỹ cao hơn dự báo, là tiền đề để Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất từ tháng 12/1981, theo dữ liệu mới được công bố bởi Bộ Lao động Mỹ. So với tháng 5, CPI cao hơn 1,3%, mức tăng lớn nhất từ năm 2005 do tác động từ xu hướng tăng giá nhiên liệu, thực phẩm và nhà ở. 

Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo CPI tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 1,1% so với tháng trước đó.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí lương thực và năng lượng, tăng 0,7% so với tháng 5 và 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD ngay lập tức đi lên sau khi dữ liệu lạm phát mới nhất được công bố, trong khi đó, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm.

Lạm phát tháng 6 của Mỹ lập đỉnh mới, cao hơn dự báo - Ảnh 1.

Giá xăng tăng cao trong tháng 6 góp phần kéo CPI đi lên. Ảnh: Reuters.

Trong tháng 6, giá hàng hóa thiết yếu hộ gia đình tiếp tục tăng so với tháng trước. Giá xăng tăng 11,2%, giá các dịch vụ năng lượng, bao gồm điện và khí đốt, tăng 3,5%, mức cao nhất từ năm 2006. Trong khi đó, chi phí thực phẩm cao hơn 1% so với tháng 5 và 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí thuê nhà tăng 0,8% trong tháng vừa qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1986. 

Lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ đồng nghĩa áp lực giá cả tiếp tục đặt lên nền kinh tế, tác động tiêu cực lên sức mua và niềm tin người tiêu dùng. Điều này buộc Fed phải quyết tâm theo đuổi chiến lược chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới nhằm kéo giảm nhu cầu thị trường. Giá cả tăng cao cũng tạo áp lực chính trị cho Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát đạt đỉnh trong tháng 6, một số tác nhân khác như chi phí nhà ở cao tiếp tục khiến áp lực giá duy trì trong thời gian tới. Các rủi ro địa chính trị, bao gồm tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và cuộc xung đột Nga - Ukraine, là mối đe dọa đối với các chuỗi cung ứng và triển vọng lạm phát tương lai.

Trước đó, các quan chức của Fed đã phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuối tháng 7 nếu như lạm phát tiếp tục ở ngưỡng cao và thị trường lao động vẫn “nóng”.

Theo Bloomberg

Theo Trọng Đại

NĐH

Trở lên trên