Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Theo báo cáo Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, một số chỉ số kinh tế quan trọng tăng mạnh nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine đã vượt mốc 73% dân số.
- 18-02-2022Địa phương được đại gia Thái Lan chọn đặt tổ hợp lọc hóa dầu tỷ đô trọng điểm quốc gia có lợi thế đặc biệt gì?
- 18-02-2022CEO Starbucks Việt Nam: 'Năm 2022, chúng tôi mở 5 cửa hàng chỉ trong 20 ngày, còn cả năm 2021 chỉ có 9 cửa hàng'
- 18-02-2022Đóng đủ 20 năm BHXH sau đó dừng chờ nghỉ hưu, người lao động nhận được trợ cấp gì?
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tuy với tốc độ chậm hơn và không đồng đều giữa các ngành, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận tăng trưởng dương (so cùng kỳ năm trước) lần đầu tiên kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021.
Doanh số bán lẻ hàng hóa chiếm trên 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 7,0% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,2% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư mặc dù xuất khẩu giảm tốc, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân có một khởi đầu vững chắc trong năm 2022.
Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 chững lại, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống 8,1% từ 25,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 12/2021, trong khi tăng trưởng nhập khẩu vẫn được duy trì vững chắc ở tốc độ 11,3%, so với 13,3% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng trước đó.
Xuất khẩu giảm tốc do kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm mạnh (giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước) trong khi tăng trưởng ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác, như máy tính, điện tử và máy móc, cũng chậm lại đáng kể.
Mặt khác, xuất khẩu ngành dệt may vẫn tăng trưởng vững chắc, tăng tốc từ 27,7% trong tháng 12/2021 lên 34,4% (so cùng kỳ năm trước), chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ thị trường Hoa Kỳ.
Theo đối tác thương mại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ 19,4% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 15,2% (so cùng kỳ năm trước), do giảm xuất khẩu điện thoại và máy tính sang thị trường này.
Về thu hút FDI, Việt Nam thu hút 2,1 tỉ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 1, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Ngân hàng Thế giới, mức tăng trên có được nhờ các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành điện tử và nhờ hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) sôi động.
Giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tháng 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 400 triệu USD, tương đương 20% tổng vốn FDI đăng ký.
Đối với vấn đề lạm phát, Ngân hàng Thế giới nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với tỉ lệ được ghi nhận cuối năm 2021.
Giá tiêu dùng tăng, theo Ngân hàng Thế giới, chủ yếu do tăng giá năng lượng, đẩy chi phí nhóm nhà ở và giao thông tăng lên.
Ngân sách nhà nước cũng ghi nhận bội thu đáng kể. Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 13% dự toán, trong khi chi ngân sách chỉ đạt 6,4% dự toán, dẫn đến bội thu ngân sách khoảng 69,6 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD) trong tháng 1/2022. Đầu tư công giảm 14,0% so cùng kỳ năm trước, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh hơn, tăng gần 25% so cùng kỳ năm trước.
Đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giai đoạn 2022 - 2023 được khởi động trong tháng 1/2022, theo Ngân hàng Thế giới, tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.