Làm thế nào để khách hàng không sập bẫy dự án 'ma'?
Thời gian qua không ít cơ quan công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng tự ý vẽ dự án bất động sản không có thật nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
- 19-06-2022Dự án nhà ở 'nghìn tỷ' Picenza Mỹ Hưng vẫn nằm trên giấy, chưa có cơ sở triển khai
- 19-06-2022Giá chung cư vẫn tăng sau ồn ào đề xuất thời hạn sở hữu chỉ từ 50-70 năm
- 19-06-2022Môi giới bất động sản “than” 3 tháng không bán được hàng
Cảnh báo nhiều nhưng vẫn không ăn thua
Cuối tháng 5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo công ty bất động sản về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trong đó, Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân (phường Tân Bình, TP. Dĩ An), CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Lô Thị Loan (43 tuổi, Giám đốc) và chồng là Châu Minh Sơn (44 tuổi). Bước đầu, công an xác định có tới hơn 300 lô đất bị bán trái pháp luật cho hàng trăm người, với tổng số tiền liên quan vụ án là trên 160 tỷ đồng.
Theo điều tra của đơn vị này, vào đầu năm 2018, Công ty Tường Hy Quân lập dự án trên các thửa đất có tổng diện tích hơn 6,4 ha tại phường Chánh Phú Hòa, TX. Bến Cát và đặt tên là khu dân cư Chánh Phú Hòa. Thời điểm đó, Loan và Sơn mới chỉ đặt cọc để nhận chuyển nhượng từ chủ đất, công ty này chưa lập thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư khu dân cư.
Khách hàng mua đất tại dự án Khu dân cư Chánh Phú Hòa căng băng rôn đòi quyền lợi từ chủ đầu tư. Ảnh: AX/Báo Thanh Tra
Dù chưa đủ điều kiện pháp lý, Công ty Tường Hy Quân đã tự ý ký hợp đồng môi giới độc quyền để giao cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng địa ốc Đất Việt bán 300 nền đất, giá trị hợp đồng là 129 tỷ đồng. Trên thực tế, Công ty Đất Việt đã bán 326 lô đất, thu của khách hàng hơn 140 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Đất Việt đã giao lại hơn 90 tỷ đồng cho Tường Hy Quân.
Ngoài ra, cả Đất Việt và Tường Hy Quân còn ký bán 41 lô đất khác (tổng diện tích gần 3.500 m2) cho 19 khách hàng, thu về gần 27,5 tỷ đồng. 41 lô đất này được xác định là nằm ngoài quy hoạch 1/500 của dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Trong khi đó, đối với Công ty CP Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phước Điền (phường Dĩ An, TP. Dĩ An), Công an tỉnh Bình Dương cũng khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trần Trọng Giáp, 38 tuổi, là cổ đông của công ty. Đồng thời, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi, người làm thuê cho Công ty Phước Điền) và Ngô Thành Trung (41 tuổi).
Trước đó, tháng 11/2021, Đặng Văn Chuyền, Giám đốc Công ty Phước Điền đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định với tư cách là cổ đông của Công ty Phước Điền, Trần Trọng Giáp đã có hành vi giúp sức cho giám đốc Đặng Văn Chuyền gian dối trong việc ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận chuyển nhượng đất tại dự án khu dân cư An Hòa Residence và dự án khu dân cư Hòa Lợi 1, chiếm đoạt của 11 bị hại với số tiền gần 3,5 tỷ đồng.
Hay như mới đây, ngày 9/6, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức bán đất nền dự án không có thật, xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hoàng Huỳnh Gia, quận Gò Vấp, TP.HCM, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 31-01 ngày 25/12/2020.
Quá trình điều tra, Công an TP.HCM xác định Huỳnh Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT mặc dù chưa được bàn giao đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư dự án nhưng sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Huỳnh Gia tự lập bản vẽ phân lô nền đất, lập giả dự án mang tên Khu đô thị Huỳnh Gia City, Hàm Thuận Nam, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Lộc sau đó quảng cáo mở bán nhằm mục đích tạo niềm tin, ký kết các hợp đồng đặt cọc và thanh toán, từ đó thu tiền của các khách hàng chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ngày 25/1/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Huỳnh Tấn Lộc, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, thông báo đến những ai là bị hại của vụ án nêu trên liên hệ với cơ quan công an.
Những dự án "ma" có một điểm chung là đánh vào tâm lý mua nhà đất của khách hàng cần giá cả phải chăng, tính thanh khoản tốt… cùng với những lời hứa hẹn hấp dẫn. Lợi dụng thị trường bất động sản phía Nam sôi động, các doanh nghiệp bất động sản đã đua nhau thành lập và lập dự án "trên giấy" nhằm trục lợi bất chính. Chính quyền, công anh các tỉnh, thành phố đã có nhiều khuyến cáo, vào cuộc xử lý, song, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi hơn.
Đừng chạy theo lợi nhuận trước mắt
Chia sẻ với Nhadautu.vn , ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc nhiều khách hàng bị sập bẫy dự án "ma" dù báo chí đã đưa tin cảnh báo rất nhiều một phần do người dân chủ quan ít quan tâm không tìm hiểu, không chú ý đến những thông tin, tin tức về các dự án mình bỏ tiền ra đầu tư mà chỉ đua theo tâm lý đám đông, những lời dụ dỗ của các "cò đất", những lời mời, giới thiệu có cánh của các nhân viên bán đất, nhà ở rồi dẫn đến tình trạng hàng ngàn khách hàng bị sập bẫy các dự án "ma".
Bên cạnh đó, trong công tác thực thi pháp luật, chính quyền một số địa phương còn chưa sát sao trong việc công khai công bố thông tin về quy hoạch các dự án trên địa bàn cho người dân được nắm rõ. Điều này tạo điều kiện cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng, tự ý phân lô bán nền, lừa đảo khách hàng trong khi những dự án này lại không có thật.
Liên quan đến việc phân lô bán nền hiện nay có thể chia ra các nhóm dự án đúng quy định pháp luật, nhà nước không nên cấm; nhóm người dân phân lô tách thửa từ đất của gia đình để bán bớt một phần cũng không được cấm vì đó là quyền của người sử dụng đất.
Đối với nhóm phân lô bán nền trái pháp luật, dư luận càng phản ánh thì các thủ đoạn của nhóm ngày càng tinh vi dùng mọi chiêu trò để lách luật, dụ dỗ lôi kéo khách hàng.
Cụ thể, một số doanh nghiệp đã dùng chiêu thức thật giả lẫn lộn để lừa đảo khách hàng. Đơn cử như dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất này để quảng cáo cho những khu đất khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Ngoài ra, trên thị trường bất động sản còn có các dạng đầu nậu, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kể cả "cò đất" mượn bóng người dân để chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền các dự án nhằm trốn thuế, trục lợi.
Từ đó cho thấy, trong những trường hợp này, rõ ràng có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, hoặc có sự móc ngoặc với cán bộ cấp cơ sở. Nếu chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những đầu nậu, doanh nghiệp hay "cò đất" thì những đối tượng này khó có cơ hội trốn thuế, trục lợi.
Để tránh sập bẫy những đối tượng này, ông Châu cho rằng, chính quyền địa phương tại các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến, cần tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Một biện pháp mạnh hiện nay đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.
Còn đối với khách hàng, người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý về dự án, cũng như đơn vị doanh nghiệp rao bán bất động sản. Trong trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến trình báo cơ quan chức năng sớm nhất, hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Nhà đầu tư