MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấn cấn gói vay 100 ngàn tỷ cho nông nghiệp - Kỳ 2: Doanh nghiệp lo không dễ “xơi”

Các doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) xác định: 100 nghìn tỷ đồng là gói vay thương mại, chứ không phải Nhà nước cho không, ngân hàng phải chịu rủi ro, nên chắc chắn không dễ “xơi”. Ngân hàng muốn cho vay an toàn buộc phải tính toán, cho vay “đúng người, đúng việc”, có hiệu quả.

Không dễ “xơi”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Nafoods (Nghệ An) - một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm chanh leo hàng đầu châu Á cho rằng, để làm NNCNC, đặc biệt trong ngành hàng rau quả, cần có diện tích đất đủ lớn. Nafoods đang thực hiện vùng liên kết trồng nguyên liệu khoảng 400 ha; chưa kể phần liên kết ở Lào hơn 1.000 ha…

Tuy nhiên, theo ông Hùng, vấn đề ở chỗ, nếu DN có đất và đất đó đi thuê, dân vẫn nắm sổ đỏ, liệu ngân hàng khi đánh giá, ngoài tài sản trên đất, họ có cho tín chấp phần đất mà DN thuê? “Đã là dự án công nghệ cao, đánh giá khả thi, được phê duyệt dự án rồi thì cần thông thoáng hơn cho DN, chấp nhận phương thức tín chấp. Cái cần gỡ là chỗ này”- ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, nếu bắt buộc DN phải có sổ đỏ một diện tích rất lớn cho sản xuất, sẽ hiếm DN nào đáp ứng được. Mặt khác, hiện với đất nông nghiệp, ngân hàng thường chỉ đánh giá tài sản trên đất, chứ không tính phần đất vào đánh giá cho vay. “Trên thực tế, để lấy được phần đất sản xuất đó, DN đã bỏ tiền ra rất nhiều, nhưng ngân hàng không đánh giá. DN nếu thuê được 20 năm, cũng là một dạng pháp lý, cam kết làm ăn của DN, nên ngân hàng cần “cởi” chỗ này”- ông Hùng kiến nghị.

Nói về gói tín dụng 100 nghìn tỷ trên, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt Úc - một trong những DN đi đầu trong lĩnh vực tôm giống công nghệ cao ở Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu tôm nước ta từ hơn 3 tỷ USD lên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Việt Úc, việc nhà nước có thể hỗ trợ DN lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại là cần thiết. “Để đẩy ngành tôm lên một tầm cao mới, không thể tay không bắt giặc mà phải đầu tư. Nếu làm giỏi, một đồng vốn được bốn đồng lời, nhưng trước hết cũng phải có đồng vốn đã để tận dụng cơ hội”- ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, dẫu nhu cầu vốn rất cao, nhưng DN không thể mong đợi quá được. Với ngân hàng, nếu cứ cho DN vay ồ ạt, mất vốn ai chịu? Do vậy, cần có cơ chế đánh giá công bằng và minh bạch, hạn chế khâu trung gian, tránh việc cho vay không đúng đối tượng.

“Nguồn vốn 100 nghìn tỷ đó, không phải là vốn xã hội để ban cho nhiều người. Chẳng hạn, mục tiêu là đưa ngành tôm từ hơn 3 tỷ USD lên 10 tỷ USD, phải chọn DN có khả năng sử dụng tốt vốn vay để phát triển ngành, chứ không nên nghĩ chia nhỏ, rải rác vốn, làm công tác xã hội, để mấy ông nhỏ làm sao cũng được thì không ổn”- ông Tuấn phân tích.

Ngân hàng sẵn sàng hay còn ngại?

Phát biểu trong cuộc họp tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về gói vay trên với rất nhiều việc cần làm rõ, như: Khâu nghiên cứu, sản xuất, triển khai tiêu thụ, đối tượng cho vay, được hưởng gói vay thế nào? Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dù gói vay này lãi suất thấp hơn thông thường, nhưng ở đây không có sự bao cấp của Nhà nước. Việc các ngân hàng cho vay trung, dài hạn bao nhiêu năm thì tuỳ, nhưng vấn đề phải công khai, minh bạch.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, hiện các NHTM đã đăng kí sơ bộ hơn 100 nghìn tỷ đồng. Mức lãi suất thấp hơn 0,5-1%/năm so với lãi suất thông thường hiện nay. “Trước mắt chúng tôi sẽ lo trình sửa đổi Nghị định 55 về cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó lưu ý đến các đặc thù cho vay NNCNC”, Phó Thống đốc Tiến nói.

Tổng giám đốc Agribank - ông Tiết Văn Thành cho biết, Agribank đã cam kết 50.000 tỷ đồng cho NNCNC ngân hàng tự cân đối được, mà không cần hỗ trợ của nhà nước, với lãi suất giảm khoảng 1,5%. Tuy nhiên ông Thành lưu ý, vướng mắc là quy hoạch địa phương, tiểu vùng, cây, con, ngành nghề chưa rõ, nên manh mún và mang tính tự phát rất nhiều. Hiện chỉ có Củ Chi (TPHCM), Đắk Lắk, Lâm Đồng có quy hoạch một phần.

Thực tế, sản xuất NNCNC giá trị lớn, diện tích rộng. DN khi tính toán thì mua bán theo giá thị trường, nhưng khi ngân hàng định giá cho vay, thì tính theo giá nhà nước do UBND các tỉnh quy định, nên giá trị đất - tài sản đảm bảo thấp, mức vay không cao.

Theo ông Thành, vốn đầu tư nhà lưới, kính, trang thiết bị khác rất lớn, nên khi có rủi ro chỉ bán sắt vụn rẻ mạt. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng Agribank vẫn xem xét lựa chọn phối hợp với từng địa phương để triển khai mang lại kết quả nhất định.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV nói rằng, ngân hàng này sẽ đi theo hướng “chọn” người vay, có tư cách pháp nhân, phương án kinh doanh có hiệu quả. Về người vay, phải có năng lực tài chính, sản xuất kinh doanh, người có năng lực, kinh doanh thật sự. Phương thức cho vay sẽ triển khai phù hợp đối tượng, là vay ngắn, trung hay dài hạn.

“Chúng tôi cho vay các công đoạn, cho vay theo chuỗi hoặc cắt khúc ra. DN có thể kết hợp chuỗi, DN chỉ làm một công đoạn, ví dụ nghiên cứu khoa học…”, ông Tú nói.

Theo bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, hiện cho vay nông nghiệp của Vietcombank đã lên tới 48.200 tỷ đồng.

“Vietcombank vừa cho vay 500 tỷ đồng dự án trứng gà sạch cách đây hơn 1 tháng, các dự án công nghệ cao chúng tôi đều chủ động tìm kiếm khách vay”- bà Thái nói. Đại diện nhiều NHTM lo ngại, cho vay lãi suất thấp trong khi rủi ro cao, nên ngân hàng ủng hộ, nhưng cần có cơ chế xử lý hỗ trợ.

“Những DN đàng hoàng, làm ăn tốt, ngân hàng sẽ tự tìm đến, và có thể lãi vay của họ thấp hơn lãi suất thị trường. Như vậy, nhà nước không cần hỗ trợ, DN cũng tiếp cận được vốn rẻ hơn. Bản chất của ngân hàng khi cho vay là đi bán rủi ro, rủi ro anh thấp thì lãi suất thấp, rủi ro cao thì chi phí lãi vay của anh cũng khác”

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Úc

Theo Phạm Anh - Khánh Huyền

Tiền phong

Trở lên trên