Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, vốn chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đang tốn tại. Con số này được xem là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành.
- 16-09-2017Bộ Công Thương: Sẽ cắt giảm khoảng 600 điều kiện kinh doanh
- 15-09-2017Hàng Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam, Bộ Công Thương “họp khẩn”
- 13-09-2017Bộ Công thương lên tiếng về tiến độ và hình thức kỷ luật Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam
- 11-09-2017Soi sức khoẻ của các doanh nghiệp Bộ Công Thương sắp thoái vốn
Theo Bộ Công thương, số điều kiện được cắt giảm lần này cũng nhiều hơn so với dự kiến là 60 điều kiện. Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại là 541.
Trước đó, vào đầu tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo Quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục - tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.
Ngoài việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, Bộ Công Thương cũng nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Kết quả đạt được cho tới nay, theo Bộ Công thương tự đánh giá là khá tích cực. Theo đó, các vấn đề nổi cộm, bị doanh nghiệp phàn nàn nhiều như kiểm tra hiệu suất năng lượng, kiểm tra hàm lượng formaldehyde, kiểm tra chất lượng thép, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khai báo hóa chất… đều đã hoặc sẽ được giải quyết triệt để. Công tác cải cách thủ tục hành chính và áp dụng thủ tục trực tuyến cũng thu được nhiều kết quả khả quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Ngoài việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương còn đề xuất làm tương tự với 17 ngành, nghề kinh doanh khác, bao gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).