Lần đầu gặp gỡ “Trang béo”: 9x gây dựng đế chế ẩm thực trong lòng người Hà Nội chỉ bằng một chỉ vàng!
“Ăn đêm thì gọi chỗ nào được bây giờ nhỉ?” - Thử hỏi bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình câu này mà xem, chúng tôi khá chắc 99.9% câu trả lời bạn nhận được sẽ là “Ship đồ ăn đêm Trang Béo”.
- 20-10-2022Nữ CEO 9x và màn "lội ngược dòng" trong mùa dịch
- 10-09-2022"Bóng hồng" 9x lập kỷ lục châu Á trở thành huấn luyện viên múa lân
- 09-09-2022Cô chủ 9X khởi nghiệp bán bánh Trung thu nghệ thuật hoa nổi 3D lạ mắt, bán gần 1.000 chiếc/ngày
- 30-08-20229x người Dao Tuyển nhận học bổng du học Đức 1,2 tỷ đồng và hành trình thay đổi định kiến
Vài năm về trước, Hà Nội không có nhiều chỗ phục vụ bao tử của hội cú đêm. Loanh quanh cũng chỉ vài lựa chọn: Bún riêu Bạch Mai, phở gánh Hàng Chiếu hoặc bánh mì dân tổ ú ụ nhân.
Rồi bỗng, "Ship đồ ăn đêm Trang Béo" xuất hiện như một thế lực, phá vỡ quy luật "ăn đêm chỉ có nhiêu đó món chắc bụng" bằng thực đơn không thiếu thứ gì, từ cơm no xôi đầy, món Tây món ta, cho tới la liệt các món ăn vặt như nem chua rán, nem tai, bò khô, chân gà - thứ mà vốn không ít người Hà Nội cho rằng chỉ có thể thưởng thức trước 11 giờ đêm. Đời sống ẩm thực về đêm ở thủ đô từ đó, phong phú hơn hẳn.
Thế nên cũng chẳng ngoa nếu khẳng định: Đồ ăn đêm Trang Béo đã trở thành một đế chế mà hễ cứ nhắc đến "đồ ăn đêm", người ta sẽ nghĩ ngay tới "Trang Béo", và ngược lại.
Với một quán ăn online, đây chắc chắn là thành tựu không nhỏ. Thông qua menu đồ sộ, cùng chất lượng đồ ăn không thể chê nổi, một phần với cái tên Trang béo nữa, người ta nghĩ rằng đây hẳn là một bà chủ dày dặn kinh nghiệm bán quán ăn, nay thử mở thêm "địa bàn" ở khung giờ trắc trở.
Nhưng không, Trang béo trong truyền thuyết khi ấy còn chưa tròn 20 tuổi, vừa ẵm con vừa bắc chảo phục vụ nhu cầu ăn uống tại nhà cho những cái dạ dày đang réo rắt trong đêm.
7 năm vừa học làm vợ, làm mẹ và làm chủ
Trang Béo - Vũ Thị Trang sinh năm 1995, quê Sơn La, từng là cô sinh viên xuống Thủ Đô theo học ngành Y. Nhưng học chưa đầy 1 năm, tình yêu gõ cửa và cô gái 19 tuổi bỏ dở ước mơ để… làm vợ và làm mẹ. Một quyết định rất không theo khuôn mẫu ở lứa tuổi chưa đầy 20, nhưng cho tới nay - lại vô cùng chính xác.
Thời mới chạy theo tiếng gọi con tim, hai vợ chồng Trang không có gì nhiều. Bé gái đầu ra đời vào lúc công việc của chồng Trang gặp khó khăn và không thể tiếp tục, thế là đôi vợ chồng trẻ quyết định dấn thân kinh doanh ngành ẩm thực. Dự án đầu tiên là một hàng lẩu gần nhà - do Trang cũng có đôi chút năng khiếu nấu ăn, cũng thích ăn ngon nữa.
Quán ăn do cặp đôi mở thế mà lại đông khách, khá xuôi chèo mát mái với lượng khách ổn định. Nhưng phàm cái gì ban đầu thuận lợi, về sau dễ có chuyện tai ương. Đúng thật, hàng lẩu mở chỉ được vài tháng, phía mặt bằng Trang thuê được chủ rao bán thành công. Quán lẩu đang trên đà phất lên, thế là sập tiệm.
Ông bố bà mẹ trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp. " Gọi là thất nghiệp nghe còn sang chán, chứ khoảng thời gian đó vợ chồng em túng thiếu thực sự, khủng hoảng kinh tế lắm " - Trang kể.
Nhưng trong cái khó ló cái khôn. Chẳng thể nằm dài ôm nhau qua ngày đoạn tháng để nuôi mộng thoát nỗi lo cơm áo gạo tiền, Trang và chồng nảy ra ý định bán đồ ăn đêm online để vừa tận dụng đồ nghề của quán lẩu cũ, vừa chẳng tốn tiền thuê mặt bằng và hơn cả, thị trường đồ ăn đêm lúc đó (năm 2015) chưa sôi động như bây giờ.
Vậy là đôi trẻ vét sạch của lả còn lại trong nhà, được chẵn 1 chỉ vàng đem bán. Cầm trong tay hơn 4 triệu đồng bước ra khỏi tiệm vàng, việc đầu tiên 2 vợ chồng Trang làm không phải là lao đi chợ hay ăn 1 bữa thật ngon vì "có thực mới vực được đạo", mà là tìm mua cho con gái một chiếc váy thật đẹp.
" Khoảng thời gian đó bọn em vừa thấy thương, vừa thấy áy náy và có lỗi với con lắm. Dù cũng không để con phải đói rách gì nhưng chắc tại đang khó khăn, thấy con mình không được mặc đẹp như con người ta nên cũng chạnh lòng. Thế nên 2 vợ chồng mới bảo nhau bán chỉ vàng xong phải mua cho con cái váy thật là đẹp đã rồi làm gì thì làm ". - 7 năm sau, khi cuộc sống đã ổn định và có phần dư giả, Trang vẫn rưng rưng khi kể về chiếc váy có giá 295k mà 2 vợ chồng đã mua cho con vào thời điểm ấy.
Khoảng 3 tháng đầu tiên, mỗi ngày Trang và chồng chỉ ngủ khoảng 2-3 tiếng. Ban đầu, gần như chỉ có bạn bè người quen mua "ủng hộ" nhưng thấy ngon quá nên họ kháo người này người kia ăn thử. Lượng đơn dồn về mỗi đêm ngày càng nhiều vì thế.
Có những đêm Trang một tay ôm con trên vai, một tay vừa xào mì rang cơm, vừa nghe điện thoại đặt đơn của khách. Bố mẹ chồng và đương nhiên cả chồng đều chung tay giúp sức. Nói chung, nhà có bao nhiêu người lớn đều được huy động vào khâu sản xuất, giao hàng. Em bé nhà Trang khi đó còn chưa tròn 18 tháng cũng không thoát được cảnh phải thức đêm như người lớn… vì bà và mẹ thì bận nấu nướng, ông và bố thì đang đi ship cả rồi. Chẳng còn ai trông hay dỗ cho bé ăn, ngủ đúng giờ. Cũng may, bé trộm vía không quấy khóc và cũng ít ốm đau.
Nhưng khởi nghiệp kinh doanh vốn làm gì có chuyện trơn tru, không gặp trắc trở. Không ít lần trời mưa ngập lụt, bố chồng và chồng Trang vẫn lội xe đi ship và khách bom đơn. Lần khác, gần 5h sáng cả nhà chuẩn bị đóng bếp đi ngủ, lại có khách đặt 5 suất cơm. Vậy là Trang lại lồm cồm bò dậy xào xào nấu nấu, cùng chồng đi ship. Gần đến nơi gọi khách, chỉ có tiếng "thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được" văng vẳng đáp lại nỗi mong chờ.
Những lần khách bom hàng như thế, cả nhà Trang lại chia nhau những suất ăn thừa, chứ nhất quyết không trữ lại để bán cho khách mới.
" Em xác định việc buôn bán không thể tránh khỏi những lúc như vậy nên buồn thì có buồn, chứ bảo chán nản hay muốn nghỉ bán thì chưa bao giờ. " - Trang kể lại.
Và đúng là trời không phụ người có tâm. Sau 3 tháng cả nhà quần quật từ đêm đến sáng, Trang không những hồi vốn mà còn "đủ lực" để thuê thêm 3 nhân viên phụ bếp và 4-5 shipper riêng của quán. Ông bà không còn phải thức đêm làm cùng 2 vợ chồng quá nhiều, con gái cũng dần được chăm sóc, ăn ngủ đúng giờ hơn. Riêng Trang và chồng thì vẫn tiếp tục làm, làm và làm cho tới khi quán gần "3 tuổi".
Vậy là sau đúng 3 tháng khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi với dàn "nhân sự" 4 người, Trang đã lèo lái và khiến con số nhân sự tăng lên khoảng 8-10 người. Hiện tại, nhân viên của bếp Trang Béo đã xấp xỉ 50 người bao gồm bếp chính - bếp phụ, đội nhận order và khoảng 15-20 shipper. Menu của bếp nhà Trang cũng được đa dạng dần lên theo số lượng nhân sự.
Nhìn lại 7 năm vừa qua, Trang thú nhận bản thân chưa bao giờ nghĩ 1 chỉ vàng mình và chồng cầm đi bán ngày hôm ấy lại là điểm khởi đầu cho một quán ăn "nho nhỏ" được mọi người ủng hộ nhiều như hiện tại. Người khen nhiều, người chê cũng không ít nhưng trộm vía, có khách phàn nàn xong vẫn quay lại đặt tiếp lần 2, lần 3,...
Trang "tự thú": " 7 năm qua, điều khiến em bất lực nhất chính là chưa cải thiện được thời gian giao đồ tới khách hàng. 10 người đặt đồ ăn, có khi chẳng ai chê đồ kém ngon chứ phải đến 8-9 người phàn nàn là sao ship lâu quá thể. "
Mặc dù bếp Trang Béo đã thuê riêng 1 đội shipper, không phụ thuộc vào các app giao hàng nhưng tóm lại, lượng shipper chưa bao giờ "cân" lại được lượng đơn dồn dập mỗi đêm. Mà tiên quyết của bếp Trang Béo lại là "khách đặt đơn - bếp mới làm", tuyệt đối không làm sẵn đồ rồi chỉ hâm nóng lại và giao cho khách. Thế nên, đồ ăn khách đặt đến lâu là vì thế. Bù lại, dù đặt đồ online lúc nửa đêm nhưng Trang tự tin gần như 100% các suất ăn tới tay khách vẫn còn nóng.
Vậy mới hiểu tại sao dù phải đợi dài cả cổ, các cú đêm hoặc dân chơi Hà Nội vẫn cứ nhất quyết phải đặt đồ ăn của Trang Béo. Vì menu như thiên đường là yếu tố nhỏ, cái chính là đồ ăn mình nhận về xứng đáng với thời gian mình chờ đợi.
Không chắc mình thành công với vai trò nào nhất sau 7 năm "thực chiến" trong kinh doanh và hành trình làm vợ, làm mẹ
Đến thời điểm hiện tại, Trang đã đạt được những thành công nhất định với vai trò làm chủ khi xây dựng được một hệ thống nhận order - phản hồi - khiếu nại bài bản cũng như một hệ thống bếp chính - bếp phụ chuyên nghiệp cho bếp Trang Béo.
Sẽ chẳng có gì đáng để tò mò nếu Trang tập trung xây dựng hệ thống này trong khi "tạm hoãn" vai trò làm mẹ. Nhưng cô nàng đã sinh 4 em bé trong vòng 6 năm. Chúng ta đều chỉ có 24 tiếng 1 ngày, làm sao để một bà mẹ trẻ như Trang vừa có thời gian chăm con nhỏ, vừa có thời gian điều hành, giám sát một hệ thống mới thành lập và đang vào guồng là điều chúng tôi rất muốn biết.
Trang bảo mình có thể phải học làm mẹ và làm chủ thật đấy, chứ chưa bao giờ phải học làm vợ hay làm dâu vì trộm vía tình cảm với chồng vẫn mặn nồng như thuở anh gạ cưới năm cô 19 tuổi, còn bố mẹ chồng thì chiều và cưng Trang chẳng khác gì con gái ruột.
Lúc hai vợ chồng còn khó khăn, ông bà nội không quản đêm hôm phụ giúp. Tới khi quán ổn định, Trang đón cả ông bà ngoại xuống ở cùng. Cứ thế, hai gia đình thông gia sống vui vẻ hòa thuận như người thân ruột thịt để phụ giúp con cháu - điều mà hiếm ai nghĩ rằng sẽ khả thi ở thời đại này.
Thi thoảng, nếu quán cần người phụ giúp vì nhân viên nghỉ đột xuất mà chưa tìm được người thay, ông nội và ông ngoại cũng không ngại xắn tay vào giúp.
Trang vẫn luôn cảm thấy bản thân may mắn khi được cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng yêu thương, giúp sức trong khoảng thời gian vừa trầy trật khởi nghiệp, vừa nuôi con nhỏ.
" Mọi người biết rồi đấy, nuôi con mọn mà có ông bà hỗ trợ thì còn gì bằng. Chỉ có điều là mình biết ông bà không thể thay bố mẹ được, nên nếu trong tuần 2 vợ chồng bận quá thì nhất định cuối tuần phải dành thời gian đưa con đi chơi hoặc đơn giản là ở nhà chơi với con thôi cũng được.
Vợ chồng em đã ngầm giao kèo với nhau là oke mình có thể thức trắng đêm làm hàng, thiếu ngủ đấy nhưng sáng vẫn phải đưa con đi học hoặc chơi với con 2-3 tiếng rồi mới được đi ngủ. Từ khi có bé thứ 2, vợ chồng em bắt đầu cân bằng được quỹ thời gian dành cho con và thời gian dành cho công việc, còn bé đầu thì đúng là thiệt thòi nhất vì hồi đó bố mẹ còn khó khăn quá. "
Trang thừa nhận tính chất của công việc bán đồ ăn đêm cũng tạo ra những cản trở hoặc bất tiện nho nhỏ trong việc chăm sóc con cái hoặc giờ giấc sinh hoạt chung của cả gia đình. Nhưng nghĩ lại khoảng thời gian 2 vợ chồng nằm dài cả ngày chẳng có việc gì làm, đôi trẻ lại tự nhủ thôi được bận, được có việc để làm như hiện tại là may mắn lắm rồi.
" Muốn dành thời gian cho con mà vẫn chu toàn công việc, mình đành tạm bớt thời gian cho riêng mình đi một chút. Cứ du di linh động như vậy, tất cả không thể vẹn toàn 100% nhưng ít nhất là không có khía cạnh nào trong cuộc sống của mình bị mất cân bằng. Em nghĩ đây mới là điều quan trọng nhất nên thật ra cũng chưa bao giờ rạch ròi nghĩ xem mình đã thành công hay thất bại ở vai trò nào. " - Trang bộc bạch.
Trang luôn nhắc về gia đình khi nhìn lại hành trình đi lên từ con số 0 trong suốt 7 năm qua: Luôn có ông xã đồng hành bên cạnh và bố mẹ chồng lẫn bố mẹ đẻ hỗ trợ việc kinh doanh, chăm con. Nhưng chúng tôi chẳng thấy Trang nói về riêng mình. Trước khi là một bà chủ, một người vợ người mẹ 27 tuổi, Trang cũng chỉ là một người phụ nữ, liệu có điều gì hay thứ gì Trang đã tự thưởng cho mình sau khi vượt qua quãng thời gian chật vật vì… thiếu tiền hay không?
" Thật ra với em, được bận rộn với công việc, được chăm con và chơi cùng con đã là một phần thưởng rồi. Nghe có vẻ hơi văn mẫu nhưng cứ nghĩ đến khoảng thời gian cả ngày nằm dài ra chẳng có việc gì làm, em lại thấy biết ơn vì giờ mình được bận. Hơn nữa, vì có 4 em bé rồi nên khi quán hoạt động ổn định, hai vợ chồng em lại tính chuyện mua nhà, mua xe để gia đình có phương tiện đi lại và chỗ ở thoải mái chứ hai đứa chưa bao giờ nghĩ đến việc phải tự thưởng cho bản thân thứ gì có giá trị quá lớn. " - Trang thậm chí chẳng cần nghĩ quá 5s để đưa ra câu trả lời này.
Trang đã kể hết những trắc trở của cuộc đời mình từ lúc "vào đời" cho tới hiện tại trong suốt 2 tiếng trò chuyện với chúng tôi. Khó khăn có, mệt mỏi cũng có nhưng cái nhìn của cô gái này với mọi chuyện dường như luôn dễ dàng theo lối "ok đời vậy thì mình theo vậy thôi", gần như chẳng có một sự kiện nào - kể cả quãng thời gian 2 vợ chồng túng thiếu, có thể khiến Trang rơi vào trạng thái trầm uất, tiêu cực. Trang tự nhận mình là kiểu người "luôn vui tươi" theo đúng nghĩa đen nên cuộc đời nhìn chung cũng nhẹ nhàng.
Chúng ta vẫn thường nghĩ để tồn tại và phát triển được trong ngành F&B ở thời điểm hiện tại, người làm chủ cần một bộ óc toan tính thật nhiều với những chiến lược được vạch sẵn, chi tiết từ A đến Z. Điều này có thể đúng với số đông chứ không đúng với Trang. Cô gái 19 tuổi năm đó đã bắt đầu mọi thứ từ con số 0, vừa làm vừa học, vừa lần mò xây dựng quy trình của riêng mình. Và kết quả đã chứng minh một sự thật: Không phải lúc nào được đào tạo bài bản cũng là tốt. Luôn có nhiều cách dẫn chúng ta tới thành công, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Trí thức trẻ