Lần đầu tiên kể từ 2006, khối ngoại bán ròng cổ phiếu Việt
Kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 106 triệu USD ra khỏi thị trường Việt Nam.
- 29-04-2016Chứng khoán Việt Nam bao giờ được nâng hạng vào nhóm mới nổi?
- 04-03-2016Quỹ phòng hộ châu Á: "Đừng mua chứng khoán Trung Quốc, hãy mua của Việt Nam"
- 22-01-2015Bloomberg: Giá rẻ sẽ giúp chứng khoán Việt Nam cao nhất 7 năm
Sau khi rót tổng cộng 3,4 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2006 đến nay, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài lại quay sang bán ròng trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), theo số liệu thống kê của Bloomberg.
Mặc dù chỉ số Vn Index đang ở gần ngưỡng cao nhất 8 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được MSCI thăng hạng từ thị trường cận biên (frontier) lên thị trường mới nổi (emerging). Theo Lai Yeu Huan, chuyên gia đến từ công ty quản lý quỹ Nikko, nguyên nhân căn bản nhất nằm ở khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Chính phủ mới chỉ lên kế hoạch dỡ bỏ giới hạn đối với nhà đầu tư nước ngoài ở một số ít doanh nghiệp và điều này khiến thanh khoản của thị trường ở mức thấp.
10 năm sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gọi Việt Nam là “một Trung Quốc mới nổi khác”, thị trường chứng khoán trị giá 71,3 tỷ USD của Việt Nam vẫn nằm thuộc dạng nhỏ bé nhất khu vực trong khi công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng dường như đang chững lại. Năm 2016, trung bình khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 106 triệu USD/ngày, chưa bằng 1/4 sàn Malaysia hay Indonesia.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, ông Nguyễn Sơn – trưởng ban phát triển thị trường trực thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước – nói rằng đến cuối năm 2016 thị trường Việt Nam sẽ đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn để được phân loại vào nhóm thị trường mới nổi mà MSCI đề ra. Tuy nhiên, trong danh sách xem xét bổ sung vào nhóm thị trường mới nổi được MSCI công bố hồi tháng 6 lại không có Việt Nam.
Kể từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 106 triệu USD ra khỏi thị trường Việt Nam. Theo ông Patrick Mitchell đến từ công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, khối ngoại rất lạc quan về Việt Nam nhưng vì ngành ngân hàng cải cách chậm chạp và mức độ thanh khoản không cao, dòng tiền đang chững lại.
Lần đầu tiên kể từ năm 2006 khối ngoại bán ròng trên TTCK Việt Nam. Nguồn: Bloomberg.
Chỉ số Vn Index tăng trưởng 16% kể từ đầu năm đến nay, gần gấp đôi so với mức 8,7% của chỉ số MSCI Frontier Emerging Markets Index. Tuy nhiên trong số 309 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, chưa đến 20 mã có khối lượng giao dịch hàng ngày nằm trong khoảng 2 đến 5 triệu USD, theo số liệu của Bloomberg.
“Trên thị trường Việt Nam khó có thể mua vào và bán ra mà không khiến giá biến động bất thường, trong khi điều này lại rất quan trọng”, James Lau - giám đốc đầu tư của quỹ Pheim đến từ Malaysia nhận định.
Vinamilk – công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường – đã được chấp thuận nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% từ tháng 7 năm nay. Ủy ban chứng khoán cũng có kế hoạch sáp nhập 2 sàn Hà Nội và TPHCM đồng thời mở thị trường phái sinh trong năm tới để đem đến những công cụ đa dạng hơn cho nhà đầu tư. Một công ty quản lý tài sản cũng đã ra đời để mua nợ xấu của các ngân hàng, nhưng từ đó đến nay mới chỉ có 15% số nợ được xử lý.
Dẫu vậy Mark Mobius, vị Chủ tịch 80 tuổi của tập đoàn Templeton Emerging Markets Group, vẫn lạc quan về quá trình phát triển của chứng khoán Việt Nam. “Chính phủ đang có những cải cách thực sự tốt, và chúng tôi nghĩ rằng cuối cùng thì thị trường sẽ mở rộng. Dù thanh khoản không cao, cổ phần hóa sẽ giúp cải thiện tình hình và đó là điều hấp dẫn nhất”, ông nói.
Chỉ số VnIndex đang ở gần mức cao nhất 8 năm. Nguồn: Bloomberg.
James Bannan, người đang điều hành quỹ Frontier Markets Fund trị giá 212 triệu USD tại Coeli Asset Management SA (Thụy Điển) chia sẻ ông vẫn đang đổ thêm tiền vào Việt Nam vì lạc quan với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Việt Nam chiếm nhiều nhất trong danh mục đầu tư vào các thị trường cận biên của quỹ này.
Các nhà đầu tư khác thì nói rằng Việt Nam cần phải hành động nhiều hơn, đặc biệt là cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn khỏi các tập đoàn lớn. “Nhà đầu tư nước ngoài thường rất lớn, và ở thị trường Việt Nam họ không có đủ cổ phiếu để mua”, Alan Pham – chuyên gia kinh tế của VinaCapital nói.