MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ thời trang lớn nhất thế giới

05-12-2018 - 14:30 PM | Tài chính quốc tế

Ngày càng có nhiều thương hiệu cao cấp thế giới phụ thuộc vào thị trường của đất nước tỷ dân.

Theo tính toán, năm 2019, Trung Quốc sẽ đạt được một cột mốc quan trọng cho thấy sự tái cân bằng quyền lực kinh tế trên thế giới đã định hình lại các ngành công nghiệp của nước này như thế nào.

Nhà tư vấn đầu tư McKinsey & Company và trang tin thời trang The Business of Fashion đã nhận định trong báo cáo chung về tình hình thị trường thời trang năm 2019: "Năm tới sẽ là một năm lịch sử. Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ thời trang lớn nhất trên thế giới".

Sự giàu có của gần 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra thêm nhiều người tiêu dùng mới sẵn sàng chi những khoản tiền không nhỏ cho thể thao, giải trí và tất nhiên là cả quần áo và giày dép.

Điều này đang định hình cách hoạt động của ngành công nghiệp thời trang. Một số nhãn hiệu thời trang đến từ Ý hiện đang coi Trung Quốc chứ không phải Mỹ là nơi thử nghiệm sản phẩm mới trước khi quyết định có nên tung ra thị trường toàn thế giới hay không.

Hiện có khá nhiều thương hiệu cao cấp phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc, những người góp phần tạo nên lực lượng mua hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, tính cả số tiền họ đã chi ra ở trong nước và khi đi du lịch. Tuy nhiên, nhờ chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích mua sắm nội địa, phần lớn các khoản chi tiêu đó đã quay trở lại bên trong biên giới Trung Quốc.

Tất nhiên, xa xỉ phẩm chỉ là một góc trong bức tranh toàn cảnh của tình hình tiêu thụ ở đất nước tỷ dân bởi hầu hết người dân chưa đủ khả năng tài chính để mua đồ sang trọng. Hai thương hiệu thể thao Nike và Adidas đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc vì tầng lớp trung lưu đang có xu hướng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho hoạt động rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, thị trường quần áo với giá cả hợp lý và mẫu mã đa dạng cũng đang bùng nổ.

Mặc dù người Trung Quốc từ lâu vẫn ưa chuộng sản phẩm thời trang của các nhãn hiệu quốc tế nhưng hiện ngày càng có nhiều người ưu tiên thương hiệu trong nước hơn.

Achim Berg, người phụ trách quản lý mảng thời trang toàn cầu của McKinsey cho biết nhiều thương hiệu quốc tế trên thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Ông nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng một số nhãn hàng địa phương đang phát triển nhanh chóng tạo ra tính cạnh tranh khiến thị trường Trung Quốc trở nên sôi động hơn bao giờ hết".

Simon Lock, Giám đốc điều hành của Ordre.com chuyên cung cấp showroom trực tuyến kết nối giữa các nhà bán buôn và bán lẻ nhận xét trong một sự kiện rằng ông đã thấy nhiều sinh viên Trung Quốc đi du học chuyên ngành thời trang và sau đó trở về quê nhà để phát triển sự nghiệp thay vì lập nghiệp ở New York hay London như trước đây. Họ thường chọn thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải để thành lập công ty thời trang trước khi mở rộng ra thị trường quốc tế.

Tất cả những điều trên diễn ra trong bối cảnh sự tăng trưởng tiếp diễn của Trung Quốc. Kevin Sneader, đối tác quản lý toàn cầu của McKinsey đã chỉ ra rằng nếu tiếp tục tăng trưởng vừa phải, Trung Quốc thậm chí còn có thể bổ sung lượng người tiêu dùng và khả năng chi tiêu tương đương với nền kinh tế hiện tại của Đức vào năm 2025.

Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/Quartz

Trở lên trên