‘Làn gió mới’ xinh đẹp trở thành nữ kinh tế trưởng đầu tiên của IMF
Gita Gopinath đã chính thức tiếp quản vị trí kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2019 và là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí quan trọng này.
Nữ kinh tế trưởng đầu tiên trong lịch sử tại IMF
Gita Gopinath sinh ra và lớn lên ở Kolkata Ấn Độ năm 1971. Trước khi chuyển ra nước ngoài học tập, bà đã từng theo học tại Trường Kinh tế Delhi và Cao đẳng Nữ sinh Sriram ở Ấn Độ. Đến năm 2001, Gita theo học bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Princeton (Mỹ).
Sau đó, bà làm việc tại Đại học Chicago với tư cách là trợ lý giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago. Cho đến năm 2005, bà chuyển sang Harvard và trở thành giáo sư nghiên cứu quốc tế và kinh tế tại đây.
Gita Gopinath - Nữ kinh tế trưởng đầu tiên trong lịch sử tại Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Nguồn: Vogue
Bà từng giữ vị trí đồng biên tập của Tạp chí Kinh tế Hoa Kỳ và chủ biên của Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Hiện tại, bà là đồng biên tập của Sổ tay Kinh tế Quốc tế. Trước đây bà cũng từng là đồng giám đốc của chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), thành viên ban cố vấn kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang.
Từ năm 2016-2018, bà là Cố vấn Kinh tế cho Thủ hiến bang Kerala, Ấn Độ. Bà cũng là thành viên của nhóm cố vấn những người nổi tiếng về các vấn đề G-20 của Bộ Tài chính Ấn Độ.
Đầu năm 2019, bà Gita Gopinath đã chính thức tiếp quản vị trí kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí quan trọng này, thay thế ông Maurice Obstfeld đã về hưu từ cuối năm 2018.
Trong thông báo bổ nhiệm Gita Gopinath vào vị trí Nhà Kinh tế trưởng của một trong những định chế tài chính quan trọng nhất thế giới, Cựu Giám đốc IMF Christine Lagarde giới thiệu "Gopinath là một trong những nhà kinh tế học xuất chúng nhất thế giới với học vấn cao, kinh nghiệm lãnh đạo và làm việc trong môi trường quốc tế ấn tượng".
Gopinath còn là thành viên được bầu của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ và Hiệp hội Kinh tế lượng. Đồng thời bà còn được nhận Giải thưởng Cựu sinh viên Xuất sắc của Đại học Washington.
Năm 2011, bà được Diễn đàn Kinh tế Thế giới chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL). Năm 2014 bà được IMF vinh danh là một trong 25 nhà kinh tế học dưới 45 tuổi hàng đầu. Đến năm 2019, bà được Foreign Policy đã vinh danh là một trong những Nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ đã trao tặng bà danh hiệu Pravasi Bharatiya Samman - danh hiệu cao quý nhất dành cho người Ấn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, khoảng đầu tháng 7/2021, Gita Gopinath nằm trong danh sách 34 người nhập cư được Carnegie Corporation của New York vinh danh vì đã có công góp phần xây dựng nền kinh tế Mỹ vững mạnh.
Làn gió mới thay đổi tư duy kinh tế của IMF
Gopinath có tiềm năng mang lại tư duy năng động mới cho IMF. Ngoài ra, sự tham gia của bà vào nhóm các giám đốc IMF sẽ là có lợi nhờ việc đa dạng hóa tư tuy. Bà là người phụ nữ đầu tiên được chỉ định làm trưởng bộ phận nghiên cứu, sản xuất ấn phẩm hàng đầu của IMF - "Triển vọng Kinh tế thế giới". Đây là một trong những tài liệu được đọc nhiều nhất không chỉ vì các phân tích của nó về sự phát triển và triển vọng nền kinh tế toàn cầu, mà còn là các chủ đề đặc biệt được phân tích có chiều sâu.
Trong ấn bản cập nhật mới đây, IMF dự báo khu vực châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1% so với dự báo trước đó được đưa ra vào hồi tháng 4. IMF cũng hạ 0,4 điểm % cho dự báo đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu. Cụ thể trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4 điểm % xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 điểm % xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 điểm % xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5 điểm % xuống còn 2,1%. Trong báo cáo lần này, IMF chưa đề cập đến sự thay đổi cho dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Nghiên cứu của bà Gopinath tập trung vào Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô và đã được xuất bản trên nhiều tạp chí kinh tế hàng đầu. Bà còn là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về tỷ giá hối đoái, thương mại và đầu tư, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ, nợ và các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi.
Gopinath đã có một bài nghiên cứu tập trung vào sự thống trị liên tục của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bà nhấn mạnh rằng, 40% thương mại thế giới sử dụng USD trong trao đổi, một khoản tiền cao gấp 4 lần so với tỷ lệ thương mại thế giới của Mỹ.
Nghiên cứu đã giúp giải thích làm thế nào USD tăng cao tạo ra nhiều ảnh hưởng tồi tệ đối với các quốc gia khác. Gopinath đi theo tư duy chính thống trong kết luận cho rằng, thương mại không phải là nguyên nhân chính của bất bình đẳng kinh tế, các thị trường mới nổi đủ khôn ngoan để tránh xa các khoản nợ bằng USD và việc điều phối tài chính toàn cầu là điều cần thiết.
Nguồn: Newsroom
Tại Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu 2021 diễn ra vào tháng 6/2021, bài diễn văn của vị kinh tế trưởng IMF đã đề cập đến 4 đường "đứt gãy" của nền kinh tế thế giới. Đó là tốc độ nâng cao mức sống trung bình đã trở nên chậm hơn, sự bất bình đẳng trong thu nhập của các nhóm lao động, nợ công ở các quốc gia ngày càng gia tăng và sự thiếu hụt hàng hóa công trên toàn cầu.
Theo Gopinath, đại dịch Covid-19 tác động trầm trọng hơn đến những đường "đứt gãy" này. Cụ thể, đại dịch sẽ làm mức sống của người dân bị suy giảm nghiêm trọng, nghèo đói và sự bất bình đẳng sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, các khoản nợ công của các quốc gia sẽ ngày càng tăng cao.
Trước tình hình đó, bà đã đưa ra những giải pháp phù hợp cho các quốc gia thuộc khối APEC theo 3 giai đoạn phát triển của đại dịch: Giai đoạn cấp bách, giai đoạn phục hồi và giai đoạn hậu Covid-19.
Gần đây nhất, bà đã đăng tải một bài phân tích về sự gia tăng khoảng cách trong việc phục hồi kinh tế giữa các quốc gia. Bà nhấn mạnh rằng, sự phục hồi không được đảm bảo cho đến khi đại dịch được đánh bại trở lại trên toàn cầu.
Kinh tế trưởng IMF Gopinath cho biết: "Cần có hành động đa phương để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới. Điều này sẽ cứu vô số mạng sống, ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và cứu hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu".
Đề xuất gần đây nhất của IMF nhằm chấm dứt đại dịch là đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào giữa năm 2022 với chi phí 50 tỷ USD.
Theo Eswar Prasad, một thành viên cao cấp của Viện Brookings chia sẻ, Gita là một nhà kinh tế tận tâm và giàu kinh nghiệm với các đam mê đủ lớn để thúc đẩy công việc phân tích phức tạp và khó khăn của IMF, theo những hướng đi mới mẻ và thú vị.
"Cô ấy là một người kế vị xứng đáng của một loạt các nhà kinh tế học nổi tiếng đã lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của IMF", chuyên gia của Brookings nhận xét. "Năng lực của Gopinath sẽ giúp IMF dẫn hướng tốt hơn cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, để xử lý những thách thức kinh tế và xã hội phức tạp hình thành do toàn cầu hóa".